Đồng USD đã tăng sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy số lượng việc làm tháng 9/2024 tăng mạnh nhất trong 6 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp giảm và mức lương tăng ổn định. Những thông tin này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường và buộc thị trường phải điều chỉnh dự báo về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích cho rằng nhiều yếu tố gây áp lực lên đồng bạc xanh trong mùa Hè đã có sự thay đổi đáng kể, bao gồm những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế giảm dần.
Ông Francesco Pesole, nhà chiến lược ngoại hối tại tập đoàn tài chính-ngân hàng ING, không thấy bất kỳ yếu tố nào có thể khiến các nhà đầu tư bán đồng USD trong vài tuần tới. Thị trường dường như đã từ bỏ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và số liệu lạm phát sẽ không thay đổi điều này. Mặc dù căng thẳng ở Trung Đông có thể không diễn biến nghiêm trọng hơn song dường như chưa sớm hạ nhiệt.
Chỉ số đồng USD so với giỏ các đồng tiền mạnh khác đã tăng 0,05%, lên 102,60. Ngày 4/10, chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần là 102,69, ghi nhận mức tăng hơn 2% trong tuần, và là mức tăng mạnh nhất trong 2 năm.
Chiến lược gia ngoại hối Lefteris Farmakis tại ngân hàng Barclays, cho biết hai yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD trong ngắn hạn là quy mô của các biện pháp tài chính để thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc và dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Cả hai yếu tố này đều có thể tác động đến đường hướng chính sách của Fed, và do đó, ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD.
Trung Quốc sắp công bố chi tiết kế hoạch tài chính để thúc đẩy nền kinh tế. Trong khi đó, tại Trung Đông, Israel đã thực hiện các hành động quân sự đối với những mục tiêu của Hezbollah tại Liban và Dải Gaza trong ngày 6/10, trước khi tròn một năm kể từ khi diễn ra hành động quân sự vào ngày 7/10/2023 đã châm ngòi cho cuộc xung đột hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng tuyên bố đang cân nhắc tất cả những lựa chọn để đáp trả Iran.
Đồng euro giảm 0,06%, xuống còn 1,0970 USD/euro. Chiến lược gia Lefteris Farmakis của ngân hàng Barclays cho rằng những biện pháp tài chính hiệu quả ở Italy (I-ta-li-a) và Pháp sẽ có lợi cho đồng euro, vì chúng giúp nâng cao mức độ tin cậy về vấn đề kiểm soát nợ cũng như mức độ tín nhiệm của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hai nước này đang thực hiện các biện pháp để giảm thâm hụt ngân sách.
Đồng yen đã có lúc giảm xuống 149,10 yen/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16/8, trước khi phục hồi nhẹ và giao dịch quanh mức 148,60 yen/USD. Tuần trước, đồng yen đã giảm hơn 4%, mức giảm phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu năm 2009. Sự yếu kém của đồng yen cũng liên quan đến những bình luận của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba, làm dấy lên kỳ vọng rằng việc tăng lãi suất ở Nhật Bản còn xa vời.
Lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được giao dịch tại thị trường London đạt mức cao mới trong hai tháng là 4,016%. Tuy nhiên, ngân hàng Barclays cho rằng lợi suất vẫn có thể tăng thêm khoảng 20 điểm cơ bản, ngay cả khi tính đến kịch bản kinh tế Mỹ tiêu cực nhất. Ngân hàng này cho rằng dữ liệu việc làm gần đây đã củng cố niềm tin của họ vào một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ dài hạn và từ từ của Fed.
Ngân hàng BofA hiện dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi cuộc họp cho đến tháng 3/2025, và sau đó giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi quý cho đến cuối năm 2025.
Trong khi đó, các thị trường dự đoán Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11/2024 thay vì 0,5 điểm phần trăm, sau khi báo cáo việc làm được công bố. Theo công cụ tính toán FedWatch của CME, thị trường hiện đoán định 95% khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11/2024 của Fed, tăng so với mức 47% một tuần trước đó, và 5% khả năng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào.
Đồng bảng Anh giảm 0,4% so với USD. Tuần trước, đồng bảng Anh đã ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2024 sau phát biểu của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey về việc BoE có thể hành động mạnh mẽ hơn để giảm chi phí đi vay.