Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng USD so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống còn 95 (điểm) trong ngày 12/10, từ mức 96,15 của ngày 9/12.
Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong phiên 11/10 trong bối cảnh giới đầu tư, vốn đã bị tác động bởi quá nhiều lo ngại về tình hình kinh tế, đã đẩy mạnh bán tháo những cổ phiếu được cho là đã được định giá quá cao.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng yếu hơn dự kiến đã khiến đồng USD suy giảm khi các thương nhân thận trọng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất. Trước đó hồi tháng 9/2018, các quan chức Fed dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2019 và để ngỏ khả năng có thể tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay (có thể vào trong tháng Mười Hai tới).
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 3,1705% ngày 12/10, sau khi đạt mức cao nhất trong bảy năm qua là 3,261% trong ngày 9/10.
Đồng euro là đối tượng hưởng lợi chính từ sự suy giảm của đồng USD trong ngày 12/10 với việc tăng lên mức cao nhất trong tuần này là 1 euro đổi 1,1611 USD, trước tình trạng bán ra đồng USD trên thị trường và một tín hiệu tích cực trong biên bản cuộc họp vừa qua của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Biên bản nói ECB đang trên lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm nay bất chấp những lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại ở châu Âu.