Vào cuối giờ sáng ngày 12/10, tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo là 113,27-113,28 yen/USD, tăng nhẹ so với tỷ giá 113,25-113,35 yen/USD trên thị trường London vào lúc 4 giờ chiều ngày 11/10 và 112,78-112,80 yen/USD tại Tokyo vào lúc 5 giờ chiều hôm trước.
Không chỉ giảm giá so với đồng USD, đồng bản tệ của Nhật Bản cũng giảm giá so với đồng euro, với tỷ giá giao dịch vào cuối giờ chiều ngày 11/10 trên thị trường Tokyo ở mức 130,53-130,57 yen/euro và trên thị trường London là 130,88-130,95 yen/euro.
Do tác động của việc đồng yen mất giá, chỉ số chứng khoán Nikkei-225 đã giảm 265,88 điểm (tương đương 0,93%) xuống còn 28.232,32 điểm trong phiên giao dịch sáng nay, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 13,49 điểm xuống còn 1.983,09.
Lý giải về việc đồng yen mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ, chuyên gia Yuji Saito, Trưởng phòng Giao dịch ngoại hối của ngân hàng Credit Agricole Corporate & Investment Bank ở Tokyo, cho rằng sự khác nhau trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương của Mỹ và Nhật Bản đã đẩy đồng bạc xanh tăng giá so với yen. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, các nhà giao dịch cũng bán đồng yen trong bối cảnh dầu thô tăng giá làm gia tăng quan ngại về khả năng thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ tăng do giá năng lượng tăng có thể làm kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng mạnh và tăng nhu cầu đối với đồng USD để mua dầu mỏ.
Trên thực tế, đồng USD vẫn đang tăng giá cùng với sự gia tăng của lợi tức trái phiếu dài hạn do Bộ Tài chính Mỹ phát hành do giá nhiên liệu tăng làm gia tăng quan ngại về khả năng lạm phát ở nước này tăng. Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm khối lượng tài sản mua vào vào đầu tháng 11/2021. Động thái này của Fed khác hẳn so với chính sách tiền tệ siêu lỏng mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đang thực hiện nhằm vực dậy nền kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát ở nước này.