Trong bối cảnh diễn biến dịch COVD-19 đang phức tạp khó lường và khối ngoại vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng liên tiếp, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định không mấy lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới. Theo đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BSC nhìn nhận, VN-Index vẫn đang trong quá trình dò đáy, tín hiệu hồi phục là chưa rõ ràng.
Có nhận định tích cực hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường sẽ có biến động cân bằng hơn trong tuần tới khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) qua đi (tuần qua các ETFS đã cơ cấu xong danh mục).
“Chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ bắt đầu xuất hiện các phiên hồi phục đan xen trong tuần tới”, BVSC nhận định.
BVSC lý giải, với việc nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn. Dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh COVID-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nêu quan điểm, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là tại châu Âu là nguyên nhân chính dẫn đến đà bán tháo trên các thị trường chứng khoán. Các ngân hàng trung ương tiếp tục đưa ra những biện pháp để vực dậy nền kinh tế trước viễn cảnh suy thoái.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra tiêu cực trước các động thái trên. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần trong vùng hỗ trợ từ 700 - 720 điểm. Đây là vùng hỗ trợ được đánh giá là tương đối mạnh và nếu đánh mất vùng trên thì hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là trong khoảng 640 - 650 điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với hơn 3.000 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua là một tiêu cực trong bối cảnh vốn đã ảm đạm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (23 - 27/3), VN-Index có thể sẽ phản ứng hồi phục sau khi đã kiểm định vùng hỗ trợ trong khoảng 700 - 720 điểm trong hai phiên cuối tuần.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tuần giao dịch qua trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Kết thúc tuần giao dịch (từ 16 -20/3), VN-Index giảm 52,05 điểm (6,8%) xuống 709,73 điểm; trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,405 điểm (0,4%) lên 101,789 điểm. Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao mức trung bình 20 tuần với hơn 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 21,6% xuống 20.163 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 12,6% xuống 1.2 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 37,5% xuống 2.595 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 17,8% xuống 315 triệu cổ phiếu.
Theo SHS, với việc thị trường tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành chính đều suy giảm.
Tuần qua, các mã vốn hóa lớn thuộc ngành bất động sản giảm mạnh, đặc biệt là cổ phiếu họ Vingroup. Theo đó, VIC giảm 10,8%, VHM giảm 11,4%, VRE giảm 16,6%.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng giảm 7,8% giá trị vốn hóa, với các mã như VCB giảm 13,4%, CTG (9,8%), BID (5,4%), VPB (6,4%), TCB (4,9%), HDB (9,1%), MBB (6,4%), ACB (2,7%)...
Các nhóm ngành khác cũng giảm mạnh như nhóm thực phẩm - đồ uống. Cụ thể, VNM giảm 9,3%, MSN (1,3%), SAB (12,7%).
Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí hồi phục 9,8% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như PLX tăng 12,3%, PVS (1,8%), OIL (3,2%), PVB (3,8%)...
Thực tế, nhóm cổ phiếu dầu khí ngược dòng thị trường do được hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, qua đó khép lại tuần vừa qua với mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ năm 1991.
Nguyên nhân cho sự sụt giảm mạnh của giá dầu là do cuộc chiến về giá giữa Saudi Arabia và Nga đã gây ra tình trạng dư cung, trong khi các kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ và ngân hàng trung ương các nước không thể lấn át những đồn đoán về sự sụt giảm mạnh về nhu cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 20/3), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5 giảm 3,28 USD, tương đương 12,7% xuống 22,63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,49 USD, tương đương 5,2% xuống 26,98 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 29,3%, mức giảm phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ năm 1991, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Trong khi đó, giá dầu Brent ghi nhận mức giảm 20,3% trong tuần qua.
Rõ ràng, ngoài nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong tuần qua thì các dòng cổ phiếu còn lại đang chịu áp lực giảm giá từ những tin tức về dịch bệnh COVID-19.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tiếp tục trải qua một tuần giảm điểm mạnh, do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên 20/3 giảm 913,21 điểm, hay 4,6%, xuống 19.173,98 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/10/2016. Chỉ số S&P 500 giảm 104,47 điểm, hay 4,3%, xuống 2.304,92 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 8/2/2017. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 271 điểm (3,8%) xuống 6.879,52 điểm.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 17,3%, chỉ số S&P 500 mất 14,98%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 12,64%.
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại dù Chính phủ Mỹ có những động thái nhằm hạn chế tác động kinh tế do dịch bệnh, khi mức độ nghiêm trọng đến đâu và việc dịch sẽ kéo dài trong bao lâu vẫn là những điều chưa rõ ràng.
Các nghị sỹ Mỹ đang nỗ lực tung ra gói cứu trợ thứ hai nhằm giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh, nhưng dường như không đủ nhanh với phố Wall khi các chỉ số giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dịch bệnh COVID - 19 đang có ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường chứng khoán trên thế giới; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đặc biệt GDP quý I được công bố cuối tháng và một số doanh nghiệp cũng công bố dự kiến kết quả kinh doanh quý I sẽ là những thông tin quan trọng để cơ quan điều hành, cũng như nhà đầu tư đánh giá và đưa ra các quyết định phù hợp.