Phiên 13/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 75 xu (tương đương 1,7%) xuống 42,78 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 99 xu (2,4%) và kết thúc phiên giao dịch ở mức 40,13 USD/thùng.
Một yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là những đồn đoán về việc sản lượng dầu của Libya thực chất đã tăng lên mức 1,2 triệu thùng/ngày thay vì 1 triệu thùng/ngày như theo báo cáo của tập đoàn năng lượng quốc doanh National Oil Corp công bố ngày 7/11.
Ngoài ra, việc xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ cũng tăng lên đã đẩy thị trường giảm sâu hơn. Theo dữ liệu của công ty dịch vụ công nghiệp Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 10 giàn lên 236 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng Năm tới nay.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần giao dịch khá “thăng hoa”.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 8% trong phiên đầu tuần 9/11 sau khi hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết vaccine do hãng này bào chế hiệu quả trên 90% trong việc phòng ngừa COVID-19, dựa trên số liệu ban đầu khi bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối. Thông tin này khiến các nhà kinh doanh hy vọng rằng đại dịch COVID-19 có thể được ngăn chặn vào năm tới sẽ khiến nhu cầu dầu tăng trở lại.
Đà tăng được duy trì trong phiên 10/11 và giá dầu thế giới tiến gần 3% nhờ thông tin từ Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, ông Anthony Fauci rằng vaccine ngừa COVID-19 sẽ sẵn sàng cung ứng cho những người có mức độ ưu tiên cao nhất vào tháng 12/2020. Thông báo trên dự báo về triển vọng người dân bắt đầu có thể đi du lịch vào năm tới và nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay sẽ tăng cao hơn.
Giá dầu Brent vượt ngưỡng 45 USD/thùng phiên 11/11 và chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng nhờ những hy vọng phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp nhu cầu dầu mỏ phục hồi. Giới phân tích chỉ ra rằng các biện pháp giãn cách xã hội ở châu Âu và Mỹ để phòng chống COVID-19 đã làm chậm quá trình phục hồi nhu cầu nhiên liệu, nhưng mức tiêu thụ dầu của các nền kinh tế châu Á gần như đã trở lại mức trước dịch COVID-19.
Đà hưng phấn của giá dầu bị chặn lại trong phiên 12/11 bởi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cao. Giá dầu kỳ hạn thường theo sát diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ khi thị trường này cũng mất đà do các nhà đầu tư lo ngại về đại dịch COVID-19. Châu Âu đang gặp phải nhiều khó khăn với số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao và những biện pháp hạn chế xã hội mới. Còn tại Mỹ, số ca lây nhiễm COVID-19 đã vượt 100.000 ca/ngày trong vài ngày qua, và hơn chục bang có số ca lây nhiễm tăng gấp đôi trong hai tuần qua.
Nhưng dù giảm gần 2% trong phiên 13/11, tính chung trên cả tuần, hai loại dầu trên đều tăng hơn 8%.
Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa tại ngân hàng BNP Paribas cho biết về bản chất, một số yếu tố thuận lợi từ thông tin về vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đã bị hao mòn về cuối tuần. Thêm vào đó, việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo vắc-xin sẽ ít khả năng tác động đáng kể tới nhu cầu dầu toàn cầu trong đầu năm 2021 cũng thúc đẩy thị trường năng lượng phải điều chỉnh theo hướng đi xuống.
Ngoài ra, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, buộc nhiều chính phủ áp đặt hạn chế đi lại khắt khe hơn để đối phó với số ca nhiễm COVID-19 mới ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, giới phân tích nhận định Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khổi (còn gọi là nhóm OPEC+) có thể do dự trong việc nới lỏng chương trình cắt giảm sản lượng vốn được lên kế hoạch vào tháng 1/2021.
OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp cho Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng vào tuần tới. Dự kiến, ủy ban này sẽ đưa ra một số dấu hiệu về quyết định của các nhà sản xuất tại cuộc họp cấp Bộ trưởng tiếp theo vào ngày 1/12.