Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 33 xu xuống 75,34 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 64 xu xuống 71,97 USD/thùng.
Sự sụt giảm hôm thứ Sáu diễn ra sau năm phiên tăng giá liên tiếp của dầu Brent. Hôm thứ Tư (15/9), giá dầu Brent đã có lúc đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng Bảy trong khi giá dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng Tám.
Nhìn chung, thị trường năng lượng thế giới đã có một tuần khá “hứng khởi” với bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm.
Mở đầu tuần mới trong phiên 13/9, giá dầu đi lên sau khi các nước cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho Afghanistan trong khi các nhà giao dịch vẫn lo ngại về nguồn cung tại Mỹ sau cơn bão Ida. Chốt phiên 13/9, giá dầu WTI tăng 73 xu Mỹ lên 70,45 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 59 xu Mỹ, lên 73,51 USD/thùng.
Đà tăng tiếp tục trong phiên 14/9, sau khi Liên hợp quốc (LHQ) hối thúc các nước giải ngân viện trợ cho Afghanistan còn các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố dự trữ dầu thô của nước này. Giá dầu WTI phiên này nhích 1 xu lên 70,46 USD/thùng, còn giá dầu Brent tiến 9 xu lên 73,60 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng xấp xỉ 2 USD mỗi thùng phiên 15/9, sau khi dữ liệu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các kho dự trữ dầu thô của nươc này trong tuần kết thúc ngày 10/9 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2019. Diễn biến này kéo dài đà suy giảm sau cơn bão Ida vào cuối tháng Tám vừa qua, khiến nhiều nhà máy lọc dầu và cơ sở sản xuất ngoài khơi phải đóng cửa.
Sang phiên 16/9, giá dầu ổn định sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều tuần vào ngày hôm trước đó, do những lo ngại về sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico của Mỹ bị ảnh hưởng của cơn bão Nicholas đã giảm dần. Phiên này, giá dầu thô Brent tăng 21 xu Mỹ lên 75,67 USD/thùng. Giá dầu WTI ổn định ở mức 72,61 USD/thùng sau khi đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 2/8 vào ngày 15/9.
Dù giảm trong phiên cuối 17/9, tính chung trong cả tuần qua, giá dầu Brent vẫn tăng tới 3,3% và WTI tăng 3,2%. Diễn biến này kéo dài chuỗi tăng của giá dầu thế giới sang tuần thứ tư liên tiếp.
Ông Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu thô của công ty tư vấn Rystad Energy cho biết nguyên nhân chính giúp giá dầu đạt mức cao như vậy trong vài ngày qua là nguồn cung bị gián đoạn và lượng dự trữ giảm. Do vậy, khi sản lượng dầu của Mỹ đang phục hồi sau giai đoạn đình trệ vì các cơn bão, giá dầu dự kiến sẽ xuống thấp hơn.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô ở Vịnh Mexico đang trở lại sau khi các cơn bão Nicholas và Ida khiến việc sản xuất 26 triệu thùng dầu phải tạm dừng. Cục An toàn và Thực thi bảo vệ Môi trường Mỹ (BSEE) vào cuối ngày 17/9 ước tính rằng 23,2% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico vẫn bị đình trệ, tương đương khoảng 422.078 thùng/ngày.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ Baker Hughes Co cho biết các công ty năng lượng Mỹ tuần này đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên, đưa tổng số giàn khoan tại Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, dù số lượng các giàn ngoài khơi Vịnh Mexico không thay đổi sau khi cơn bão Ida đổ bộ vào đây hơn hai tuần trước.
Tính chung, tổng số lượng giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ báo ban đầu về sản lượng tương lai tại Mỹ, đã tăng thêm 9 lên 512 giàn trong tuần tính đến ngày 17/9. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tư vấn The Price Futures Group cho biết, giá dầu kết thúc tuần ở mức cao hơn khi thị trường lo ngại khả năng nước Mỹ còn có thể phải chịu thêm một cơn bão khác trong khu vực.
Chuyên gia này lưu ý thời tiết ở khu vực Đại Tây Dương vẫn đang rất ổn. Vì vậy nếu xuất hiện thêm một cơn bão, nó sẽ đến vào thời điểm tồi tệ nhất vì nước Mỹ vẫn đang cố gắng phục hồi sau hai cơn bão vừa qua, trong khi không thể để mất thêm nguồn cung trước khi mùa Đông tới.