Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 36 xu Mỹ (0,6%), xuống 61,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn hạ 46 xu (0,7%), xuống 69,91 USD/thùng.
Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường từ OANDA (có trụ sở tại Singapore) cho biết, việc dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước đã giúp thị trường dầu mỏ có được động lực tăng ngắn ngủi, song giá dầu vẫn chịu sức ép từ quan ngại liên quan tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã gây sức ép lên giá dầu trong tuần này, khiến triển vọng kinh tế toàn cầu cũng bị phủ bóng đen.
Trước thời điểm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung - Mỹ mới, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nếu Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ từ ngày 10/5 như tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter, Trung Quốc “đành phải đưa ra biện pháp trả đũa cần thiết”.
Giá dầu đã nhận được sự hậu thuẫn trong thời gian qua khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu toàn cầu có xu hướng thắt chặt nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, bao gồm Nga. Giá dầu Brent và dầu WTI tăng hơn 30% kể từ đầu năm tới nay, giữa bối cảnh Mỹ siết chặt trừng phạt đối với hai thành viên OPEC là Venezuela và Iran.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/5, nhiều hơn so với dự báo giảm 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích.