Gia đình anh Hồ Ngọc Lương xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có 2,5 ha dứa đang vào mùa thu hoạch. Đây là cây trồng chủ lực của gia đình anh Lương hơn 10 năm qua. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình anh Lương thu hoạch 3 - 4 tấn dứa quả tươi bán cho thương lái.
Anh Lương lắc đầu ngao ngán khi nói về giá dứa năm nay: “Nếu như năm ngoái ở thời điểm này giá dứa là 6.000 đồng/kg thì nay chỉ có giá 3.000 đồng/kg. Đó là dứa loại 1 mới được vậy, còn loại 2, loại 3 thì có giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Năm ngoái, dứa giữ được giá, với 2,5 ha dứa, gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình còn lãi được hơn 100 triệu đồng. Năm nay thì coi như phải chấp nhận lỗ nặng với giá dứa bán cho thương lái bây giờ”.
Nhiều nông dân trồng dứa ở xã Tân Thắng cũng cho biết, năm nay giá dứa xuống thấp, bà con trồng dứa thiệt hại nặng. Ngoài nhập cho thương lái, nhiều người dân phải mang dứa ra chợ hay xuống đường lộ bán cho khách qua đường. Nhiều diện tích dứa thương lái không đến mua như dự kiến khiến dứa bị hư phải bỏ lại ngoài đồng.
Quỳnh Lưu là huyện trồng dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An, xã trồng nhiều nhất là Tân Thắng gần 1.000 ha, Quỳnh Thắng trên 80 ha, còn lại ở một số xã như Quỳnh Châu, Quỳnh Tân… Người trồng dứa ở Quỳnh Lưu phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Mùa thu hoạch dứa bắt đầu từ cuối tháng 11 cho đến tháng 6. Năm nào giá dứa ổn định thì bà con phấn khởi. Còn không, điệp khúc được mùa mất giá xảy ra thường xuyên. Thế nên, tình trạng thương lái ép giá khiến giá dứa giảm sâu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người trồng dứa. Giá dứa có thể lên xuống thất thường tùy vào các thương lái.
Tại thời điểm này, tuy dứa giá rẻ nhưng khó bán. Dứa Quỳnh Lưu chủ yếu được các thương lái từ nơi khác về mua đi phân phối cho các nhà máy dứa các tỉnh ngoài phía Bắc hay dạng sản phẩm quả tươi cho thị trường ở Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng... Trên địa bàn xã Quỳnh Châu có nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu Nghệ An đóng trên vùng nguyên liệu dứa nhưng cũng không mặn mà và tập trung vào cây dứa mà chủ yếu làm các sản phẩm từ chanh leo.
Lý giải về vấn đề dứa rớt giá, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá dứa xuống thấp. Có thể là do nhu cầu của thị trường. Một phần cũng do người dân ồ ạt trồng dứa, phá vỡ quy hoạch vùng trồng của địa phương. Toàn xã Tân Thắng hiện có 400 hộ canh tác dứa với diện tích gần 1.000 ha dứa thu hoạch và trồng mới.
Trong khi đó, quy hoạch của địa phương là mỗi năm khống chế 200 ha dứa trồng mới nhưng trong dân trồng lên đến 400 ha/năm. Diện tích và sản lượng vượt lên quá nhiều nên rất khó khăn cho đầu ra. UBND xã có khuyến cáo người dân không nên đổ xô mở rộng diện tích trồng dứa. Đến nay, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho cây dứa trên địa bàn xã Tân Thắng.