Khó phân biệt thực phẩm “sạch”
Hàng loạt thông tin về việc cơ quan chức năng phát hiện các loại thực phẩm “bẩn” như cá nhiễm phân urê, rau muống tưới nhớt, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt lợn có chất tạo nạc… đã khiến chị Lê Mỹ Hạnh (ngụ ở phường 25, quận Bình Thạnh) hoang mang, lo lắng khi mua thực phẩm ngoài chợ. “Để có bữa cơm an toàn, tôi thường chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị mini có treo bảng thực phẩm “sạch” dù giá các mặt hàng này đắt hơn bên ngoài”, chị Hạnh cho biết. Theo quan sát, giá các mặt hàng bán tại các cửa hàng thực phẩm “sạch” tại TP Hồ Chí Minh thường cao hơn 10 - 20% so với thông thường.
Không chỉ chị Hạnh, nhiều bà nội trợ hiện nay cũng có tâm lý đề phòng trước sự “tấn công” của thực phẩm không an toàn vào mâm cơm gia đình. Chính điều này đã khiến nhiều cửa hàng, siêu thị mini và thậm chí là các trang mạng kinh doanh nông sản “sạch” đua nhau “mọc lên như nấm” tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tại các cửa hàng này, các sản phẩm nông sản thiết yếu như: rau muống, rau cải, bầu, bí, ổi, thanh long, đậu phụ, thịt lợn... được các chủ cửa hàng gắn mác “sạch”. Mặc dù chất lượng có “sạch” thật không thì “vẫn là ẩn số”.
Nông sản sạch có chứng nhận được bày bán khá nhiều trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. |
Ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả VietGap, cho biết, hiện nay nhiều nông dân chăn nuôi, trồng trọt và bán sản phẩm an toàn nhưng người tiêu dùng không dễ phân biệt được. Không ít người tiêu dùng mua thực phẩm bằng niềm tin tức là khi các chủ cửa hàng gắn mác “sạch” thì họ biết đó là hàng “sạch” và tin mua chứ cũng không có kiểm tra, kiểm chứng được chất lượng hàng hóa.
Bà Hồ Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cung ứng rau sạch Minh Nguyệt, cho rằng Nhà nước hiện đang thiếu cơ chế bảo vệ những người làm ăn chân chính, có đầu tư bài bản, quy mô. “Bất cứ ai cũng có thể tuyên bố họ bán rau sạch, rau an toàn mặc dù họ không có vùng trồng, không có chứng nhận nào cho thấy họ trồng rau đảm bảo chất lượng. Việc mập mờ thông tin với khách hàng như vậy là lừa dối người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người làm ăn chân chính”, bà Nguyệt nói.
Tốt nhất nên tìm mua hàng hóa của những đơn vị có đăng kiểm, đầy đủ giấy chứng nhận thực phẩm đạt chất lượng, thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đại diện Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh |
Theo ông Trần Văn Thích, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các xã viên đều được hướng dẫn, tập huấn sử dụng đúng các loại thuốc trừ sâu, sử dụng các chất dinh dưỡng… an toàn cho rau theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy, các sản phẩm của công ty được gắn logo đạt chuẩn VietGap và trên bao bì có ghi địa chỉ sản xuất rõ ràng để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa bất cứ khi nào sản phẩm có sự cố.
Theo Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, vẫn có những đơn vị lợi dụng đăng biển quảng cáo hàng “sạch” để hút khách nhưng bên trong lại bán hàng không đảm bảo chất lượng, hàng trôi nổi.
Kết nối 4 nhà
Có một nghịch lý phổ biến hiện nay là người tiêu dùng thì băn khoăn không biết mua thực phẩm “sạch” ở đâu, nơi nào sản xuất thực phẩm được công nhận là “sạch” thì doanh nghiệp sản xuất sản phẩm an toàn lại không biết làm thế nào để đưa sản phẩm an toàn của mình đến tay người tiêu dùng. Đây là điểm yếu trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nỗ lực đưa thực phẩm an toàn đến với người dân của các cơ quan chức năng.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết: Nơi tiêu thụ, phân phối các thực phẩm an toàn hiện nay đa số là hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích còn các kênh khác như chợ, khu công nghiệp - khu chế xuất… chiếm tỉ lệ khá thấp. “Để đưa thực phẩm bảo đảm an toàn tới người tiêu dùng cần đẩy mạnh liên kết bốn nhà: Nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp một cách thường xuyên, rộng khắp để từ khâu sản xuất tới khâu phân phối đều được kiểm định, giám sát vệ sinh an toàn một cách chặt chẽ”, bà Cúc đề nghị.
Trong nỗ lực đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, hiện đã có nhiều đơn vị trong nước đã và đang liên kết với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất thực phẩm an toàn, có thể truy xuất được nguồn gốc. Chẳng hạn như công ty Ba Huân đã liên kết với nông dân chăn nuôi và sản xuất trứng, thị gia cầm sạch; Saigon Co.opmart cũng đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng nhãn riêng của mình và chịu hoàn toàn trách nhiệm từ khâu sản xuất đến lưu thông hàng hóa. Khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, quy trách nhiệm và xử lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Hiện nay, đơn vị đã có 180 điểm bán thực phẩm tươi sống đạt chuẩn VietGap, VietGap nhãn xanh. Trung bình mỗi tháng Saigon Co.op tiêu thụ 2.750 tấn rau củ quả, 420 tấn thịt gia cầm, 770 tấn thịt gia súc… có nguồn gốc “sạch”, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op, cho biết.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện nay đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân là vấn đề cấp thiết, do đó thành phố đã triển khai nhiều chương trình như chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với 20 tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên để đem thực phẩm an toàn theo quy trình VietGap, GlobalGap đến người dân. Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố cũng đã kết hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó tích cực đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa với tiêu chí sản phẩm đạt chứng nhận an toàn tại các tỉnh mới được phép lưu thông, kinh doanh tại thành phố và ngược lại. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đang cùng với các đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, làm tiêu chí để doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ nhận diện xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
Ông Bùi Văn My, Phó Giám đốc trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp: Để đảm bảo an toàn cho bữa ăn hàng ngày, người tiêu dùng có thể tìm tới 401 điểm kinh doanh đã được công bố là điểm kinh doanh sản phẩm an toàn như: hệ thống các siêu thị Co.opmart, Satramart, Co.op Xtra, Big C, Aeon, Vissan… Ngoài ra, thành phố đã cấp 721 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn cho các đơn vị sản xuất với tổng sản lượng hàng hóa cung ứng là 37.969 tấn/năm. Các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng cũng đã sử dụng logo theo chuỗi thực phẩm an toàn trên các sản phẩm đã được công nhận. Người tiêu dùng có thể an tâm tìm đến các sản phẩm an toàn đã được công bố để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám Đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh: Sở Công Thương vừa trình UBND thành phố đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020”. Để đưa thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng, đơn vị có giải pháp quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát nguồn gốc thịt lợn mọi lúc mọi nơi. Theo đó, tất cả thông tin về thịt lợn sẽ được quản lý bằng máy chủ với cơ sở dữ liệu tập trung. Chẳng hạn lợn tại trang trại được gắn vòng nhận diện (gắn chip theo dõi), đến khi ra thị trường sẽ có tem dán trên thịt và người tiêu dùng có thể kiểm tra thịt sạch hay bẩn bằng ứng dụng trên smartphone. Điều này có nghĩa là chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người mua có thể kiểm tra được thịt lợn bày bán trên thị trường là sạch hay không sạch, do ai cung cấp, ai bán và bán ở đâu… |