Đáng chú ý, nhóm nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường, trong đó giá cà phê Arabica leo lên mức cao kỷ lục trong vòng 27 năm qua. Ngược lại, trên thị trường nông sản, giá ngô nối dài chuỗi giảm sang phiên thứ 4 trước triển vọng vụ mùa bội thu tại Nam Mỹ.
Giá cà phê tiếp tục lên đỉnh do lo ngại nguồn cung từ Brazil
Giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, phản ánh những lo ngại sâu sắc về nguồn cung trong tương lai. Cụ thể, giá cà phê Arabica đã tăng 1,33% lên mức cao nhất trong 27 năm qua, trong khi giá Robusta cũng tăng 1,27%, tiệm cận ngưỡng 5.200 USD/tấn.
Lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê lớn nhất Brazil lại ghi nhận lượng mưa dưới mức trung bình lịch sử trong tuần trước, khiến lo ngại về nguồn cung tại Brazil trở nên mạnh mẽ hơn. Somar Meteorologia, báo cáo lượng mưa trong tuần trước tại Minas Gerais chỉ ở mức 6 mm, tương đương 10% mức trung bình lịch sử. Lượng mưa quá thấp, khiến thị trường lo ngại về việc cây cà phê không thể phục hồi và phát triển toàn diện, kéo theo sản lượng giảm mạnh so với vụ hiện tại. Trước đó vùng trồng cà phê chính của Brazil đã trải quan giai đoạn khô hạn lịch sử kéo dài, khiến giới phân tích đồng loạt giảm dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 cũng như vụ 2024 - 2025.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của nước này ở mức 66,4 triệu bao loại 60kg, giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán của USDA trước đó. Tổng sản lượng giảm chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica khi vùng sản xuất cây trồng này phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt. Không những vậy, xuất khẩu trong vụ 2024 - 2025 ước giảm 5% so với dự đoán trước và thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước, về còn 44,25 triệu bao. Đồng thời, tồn kho cuối vụ 2024 - 2025 giảm 65% so với dự báo của USDA trụ sở, xuống còn 1,24 triệu bao và tồn kho cuối niên vụ 2023 - 2024 cũng bị cắt từ 2,88 triệu bao xuống còn 1, triệu bao.
Về triển vọng dài hạn, hãng tư vấn Hedgepoint trong báo cáo thị trường toàn cầu mới nhất dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil sẽ chỉ đạt khoảng 65,2 triệu bao, trong đó sản lượng cà phê Arabica dự kiến ở mức 42,6 triệu bao, giảm 1,4% so với vụ trước.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (27/11) ghi nhận ở mức 121.800 - 122.700 đồng/kg, tăng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái khi giá chỉ dao động trong khoảng 57.700 - 58.500 đồng/kg, giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
Giá ngô giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá ngô đã giảm hơn 1%, ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp suy yếu. Thị trường chịu sức ép sau lời đe dọa áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của tổng thống đắc cử Donald Trump, bên cạnh triển vọng vụ mùa bội thu tại khu vực Nam Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông dự kiến sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cho đến khi các quốc gia này siết chặt vấn đề ma túy và người di cư qua biên giới, đồng thời cũng phác thảo mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này dấy lên lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các đối tác quan trọng hàng đầu như Mexico và Trung Quốc. Triển vọng nhu cầu giảm sút là yếu tố chính đã tạo áp lực lên thị trường vào hôm qua.
Bên cạnh đó, tại Nam Mỹ, nguồn cung ngô vẫn được kỳ vọng sẽ tương đối dồi dào. Theo dự báo của CONAB, nhờ điều kiện thuận lợi hơn so với năm trước, sản lượng ngô niên vụ 2024-2025 của Brazil dự báo sẽ tăng 3,6% so với niên vụ trước. Trong khi đó, xuất khẩu ngô của Argentina được dự báo sẽ đạt mức cao nhất kể từ niên vụ 2020-2021, nhờ nhu cầu nhập khẩu của thế giới mạnh mẽ, bất chấp diện tích gieo trồng giảm mạnh nhất trong 17 năm do lo ngại về dịch bệnh.
Trái với ngô, giá lúa mì đã nhận được lực mua nhẹ vào hôm qua. Thị trường được hỗ trợ bởi những lo ngại về tình hình nguồn cung từ Nga, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Hãng tư vấn Sovecon mới đây đã hạ dự báo tổng xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc của Nga niên vụ 2024-2025. Dự báo xuất khẩu lúa mì giảm từ 45,9 triệu tấn xuống còn 44,1 triệu tấn, do các hạn ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ được thắt chặt hơn vào năm tới. Đây là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.