Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nhóm nông sản đồng loạt phục hồi và đi lên sau phiên giảm cuối tuần trước. Bên cạnh đó, thị trường nguyên công nghiệp cũng chứng kiến giá cà phê quay đầu tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung tại Brazil bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn.
Giá cà phê tăng vọt do lo ngại sản lượng giảm mạnh
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, giá hai mặt hàng cà phê đã phục hồi sau phiên điều chỉnh giảm phiên cuối tuần trước với mức tăng lần lượt 5,1% của cà phê Arabica và 4,3% của cà phê Robusta, đưa giá hai mặt hàng này về mức 5.812 USD/tấn và 5.276 USD/tấn. Sản lượng dự kiến giảm mạnh tại Brazil do khô hạn kéo dài tiếp tục là nguyên nhân cơ bản khiến giá bật tăng trong phiên giao dịch hôm qua.
Theo kết quả của cuộc khảo sát thực địa với 1.706 nhà sản xuất của chương trình hỗ trợ quản lý và kỹ thuật của Hệ thống Faemg Senar (ATEG Café+Forte), sản lượng cà phê Arabica thu hoạch năm 2024 tại Minas Gerais, bang sản xuất cà phê lớn nhất tại Brazil có thể giảm trung bình 23% do khô hạn làm giảm năng suất dự kiến.
Thêm vào đó, tuần trước, trước diễn biến thời tiết cực đoan tại các vùng trồng cà phê chính, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) đã cắt giảm dự báo hơn 4 triệu bao sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil, về mức gần 54,8 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và gần 7% so với dự báo trước đó. Sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao và cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao về 15,2 triệu bao so với báo cáo trước, thấp hơn 6% so với năm trước.
Hiện tại, mưa đã xuất hiện tại một số vườn trồng cà phê tại phía Nam và Đông Nam của Brazil nhưng phần lớn diện tích Đông Nam vẫn trong tình trạng thiếu nước và nắng nóng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sản lượng cà phê vụ Brazil trong vụ tiếp theo sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn..
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (24/9), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tăng cùng chiều với giá cà phê thế giới, hiện dao động trong khoảng 121.000 - 121.600 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với hôm qua.
Giá đậu tương chạm mức cao nhất trong vòng 7 tuần
Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 kết thúc xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 9 với mức tăng 2,69% sau khi kết phiên giao dịch ngày 23/9, đưa giá mặt hàng này đóng cửa ở mức 1 USD/tấn, đồng thời chạm mốc cao nhất trong vòng 7 tuần. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ ghi nhận kết quả tích cực và tình hình mùa vụ tại Brazil vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong Báo cáo giao hàng xuất khẩu hôm qua cho biết tuần trước, nước này đã xuất trên 485.200 tấn đậu tương, tăng nhẹ so với mức khoảng 401.280 tấn của một tuần trước. Bên cạnh đó, USDA cũng báo cáo về một đơn hàng 165.000 tấn đậu tương niên vụ 2024-2025 được bán cho một nước giấu tên trong hôm qua. Những dữ liệu trên cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đã tăng trở lại và hỗ trợ giá đậu tương tăng mạnh.
Tại Brazil, thời tiết khô nóng tiếp tục trì hoãn hoạt động gieo trồng đậu tương vụ mới. Hãng tư vấn AgRural báo cáo tiến độ trồng đậu tương vụ 2024-2025 đạt 0,9% kế hoạch tính tới ngày 19/9, tăng nhẹ so với mức 0,06% của một tuần trước và thấp hơn mức 1,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi một số bang như Parana đã có mưa thì bang sản xuất lớn nhất cả nước là Mato Grosso vẫn phải đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài. Sự trì hoãn mùa vụ tại Brazil dấy lên nhiều lo ngại về triển vọng nguồn cung đậu tương từ nước này và hỗ trợ giá.
Sắc xanh cũng phủ kín bảng giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương trong ngày hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 dẫn đầu đà tăng của cả nhóm với mức tăng lên tới gần 3% đưa mức giá niêm yết của mặt hàng này lên mức 362,3 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 cũng tăng hơn 1% lên mức 922,4 USD/tấn.