Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại tăng mạnh như: giá cao cao tăng gần 5,6%; cà phê Arabica tăng 2,5%, cà phê Robusta tăng gần 4%, bạch kim tăng hơn 3%... Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,86% lên 2.078 điểm.
Giá cà phê quay đầu về vùng giá cao
Giá cà phê tăng vọt ngay phiên đầu tuần khi thị trường phản ứng với những hỗ trợ từ thông tin cơ bản. Theo đó, giá cà phê Arabica tăng gần 4%, lấy lại những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước; giá cà phê Robusta tăng 2,5%, lên sát 4.900 USD/tấn.
Công ty môi giới Hedgepoint Global Market cho biết nhiều nông dân Brazil đang trì hoãn bán cà phê Robusta do kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. Brazil đã bán một lượng Robusta kỷ lục trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt từ Việt Nam. Trước đó, một số nhà phân tích cũng cho biết Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới cũng giảm lượng cà phê cung ứng ra thị trường để chờ giá lên cao hơn.
Tại Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn cung vào cuối niên vụ thể hiện rõ qua tình trạng xuất khẩu ảm đạm. Tổng cục thống kê ước tính tháng 8 Việt Nam xuất đi gần 73.000 tấn, giảm so với mức 76.000 tấn của tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm xuất khẩu chưa tới 1,1 triệu tấn, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, thị trường chưa thoát khỏi những lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê vụ tiếp theo tại Brazil trước tình trạng khô hạn kéo dài. Theo dự báo thời tiết, trong 10 ngày tới, khu vực Đông Nam - vùng trồng cà phê chính của Brazil tiếp tục bị thiếu mưa với lượng mưa dưới mức trung bình 30mm. Nhiệt độ duy trì trên 20 độ C, có nơi trên 30 độ C. Thiếu nước kéo dài và nắng nóng có thể làm giảm năng suất và sản lượng cà phê thu hoạch vào năm 2025. Trước đó, các nhà quan sát đã đưa ra dự đoán sản lượng có thể giảm tới 20%.
Trong nước, ghi nhận trong sáng nay (10/9), giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đi lên cùng chiều với giá thế giới, dao động trong khoảng 119.000 - 119.500 đồng/kg, tăng 600 - 1.200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Diễn biến cùng chiều với hai mặt hàng cà phê, giá ca cao đã có phiên tăng thứ ba liên tiếp khi đi lên 5,6% trong phiên hôm qua. Bất chấp tín hiệu cho thấy sản lượng tại Bờ Biển Ngà và Ghana có cải thiện, cán cân cung – cầu vẫn trong trạng thái mất cân bằng. Các nhà xuất khẩu ước tính, từ đầu vụ đến ngày 8/9, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà đã giảm 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau phiên đỏ lửa, sắc xanh trở lại thị trường kim loại
Kết thúc ngày giao dịch 9/9, sắc xanh dần quay lại bảng giá kim loại sau phiên đỏ lửa trước đó. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt phục hồi trở lại khi thị trường tạm vắng bóng những dữ liệu kinh tế mới. Đóng cửa, giá bạc tăng 1,66% lên 28,65 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 3,07% lên mức 946,9 USD/ounce.
Sau một tuần đầy biến động với các dữ liệu kinh tế mới, thị trường tài chính đang dần ổn định khi giới đầu tư vẫn có niềm tin vào việc xoay trục chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Không chỉ kênh đầu tư trú ẩn là kim loại quý, sắc xanh cũng phủ kín trên thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày hôm qua. Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ là Dow Jones, S&P500 và Nasdaq đều ghi nhận mức tăng hơn 1%, chấm dứt nhiều phiên giảm điểm liên tiếp trước.
Thị trường sẽ tiếp tục thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố trong tuần này. Đây sẽ là một trong những dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố cuối cùng trước khi FED bước vào cuộc họp kéo dài hai ngày 17 - 18/9 tới đây.
Đối với kim loại cơ bản, ngoại trừ chì LME và thiếc LME, giá tất cả các mặt hàng trong nhóm đều phục hồi trở lại trong ngày giao dịch hôm qua. Trong đó, giá đồng COMEX tăng gần 1,8% lên mức 9.137 USD/tấn. Giá quặng sắt nhích nhẹ 0,08% sau một phiên giằng co, đóng cửa tại mức 91,77 USD/tấn.
Một mặt, giá quặng sắt vẫn đang chịu sức ép trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ mờ nhạt tại Trung Quốc. Dữ liệu do Tổng cục thống kê nước này công bố hôm qua cho thấy lạm phát giá tiêu dùng thấp hơn dự báo trong tháng 8, trong khi tình trạng giảm phát tại khu vực nhà máy tiếp tục kéo dài sang tháng thứ 23 liên tiếp. Điều này phản ánh sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu kém, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% của nước này. Triển vọng tiêu thụ sắt thép vì thế cũng trở nên kém sắc hơn, qua đó gây sức ép lên giá.
Mặt khác, giá quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của nước này. Do vậy, kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sớm đưa ra những biện pháp hỗ trợ đã giúp giá quặng sắt phục hồi và tăng nhẹ trong phiên hôm qua. Giới chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn còn dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), dự kiến lần cắt giảm sớm nhất là ngay trong tháng 9 này.