Theo đó, giá cua thịt loại 1 được thương lái mua từ mức từ 150.000-170.000 đồng/kg, giảm gần 50.000 đồng/kg; cua gạch hiện có giá 200.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg; cua xô chỉ từ 70.000- 80.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trầm, thương lái thu mua cua ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước cho biết, trong năm nay, có thời điểm cua gạch có giá lên đến hơn 700.000 đồng/kg nhưng cứ đến tháng 7 âm lịch là giá cua rớt giá thê thảm.
Theo ông Trầm, nguyên nhân chính là trong tháng này, trong nước người dân ăn chay nhiều nên sức mua giảm mạnh nên giá cua giảm theo.
Còn theo Anh Dương Chí Đại, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp ở xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, toàn xã hiện có hơn 2.000 hộ nuôi theo mua hình tôm-cua kết hợp. Giá cua giảm có một phần nguyên nhân là vào thời điểm này sản lượng cua đang rất lớn.
Khoảng 3 - 4 tháng trước, khi độ mặn đang ở mức thích hợp người dân tập trung thả nuôi cua nhiều. Nhưng trong thời điểm này độ mặn đang giảm, số lượng cua bị ốp rất lớn. Do đó, khi thương lái mua khó khăn cho việc vận chuyển bởi tỷ lệ hao hụt lớn hơn.
Ông Huỳnh Văn Quang, huyện Cái Nước chia sẻ, giá cua giảm mạnh khiến gia đình thua lỗ. Tuy nhiên, cũng không còn cách nào khác, bởi cua vốn là loại nuôi rất đặc thù. Khi cua đủ lớn chúng sẽ “đi” vào mỗi con nước, dù có thả dưỡng trở lại để chờ tăng giá cũng rất khó khăn. Nên giá dù có giảm thì khi cua “đi” cũng phải bắt bán nhằm tránh hao hụt.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có khoảng 150.000 ha diện tích nuôi cua, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Cái Nước. Sản lượng cua hàng năm đạt khoảng từ 6.000 - 7.000 tấn. Hình thức nuôi cua ở Cà Mau chủ yếu là nuôi kết hợp với các đối tượng khác như tôm, cá và nuôi dưới tán rừng.