Chốt phiên này tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,27 USD (0,4%) so với cuối phiên trước, xuống 64,34 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn hạ 0,21 USD (0,3%) xuống 71,52 USD/thùng.
Báo cáo ngày 10/4 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc vào ngày 5/4) đã tăng thêm 7 triệu thùng lên 456,6 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017. Cũng theo báo cáo này, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn giữ ở mức cao kỷ lục là 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, quan ngại về khả năng nền kinh tế thế giới giảm tốc sẽ tác động tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Bất chấp nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ và tương lai kém lạc quan của kinh tế thế giới, thị trường dầu hiện vẫn đang thắt chặt khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, cộng với tình hình xung đột leo thang tại Libya cũng ảnh hướng đến nguồn cung trên toàn cầu.
Stephen Innes, phụ trách bộ phần giao dịch tại SPI Asset Management, nhận định nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm 10 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn. Hiện nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ở mức khoảng 100 triệu thùng/ngày.