Cụ thể, vào lúc 15 giờ 56 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 85 xu Mỹ xuống 64,20 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 89 xu Mỹ xuống 57,69 USD/thùng.
Sau cuộc họp kéo dài trong hai ngày 30 - 31/7, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản từ 2,25 - 2,50% xuống 2 - 2,25%. Đây là quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên của cơ quan này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, ông Jerome Powell cho hay bất ổn thương mại, đầu tư kinh doanh yếu và tăng trưởng trì trệ của các nền kinh tế trên thế giới là ba nguyên nhân chính dẫn tới việc Fed quyết định cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, ông Powell cho rằng việc Fed quyết định cắt giảm lãi suất nói trên là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ trong chính sách tiền tệ của ngân hàng này và đây không phải là sự khởi đầu cho một đợt cắt giảm lãi suất kéo dài.
Nhà môi giới dầu mỏ Tamas Varga thuộc PVM cho biết quyết định cắt giảm lãi suất của Fed làm đồng USD tăng mạnh, trong khi đẩy thị trường chứng khoán và dầu mỏ đi xuống. Một đồng USD mạnh sẽ làm giá dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các ngoại tệ khác cũng như làm tăng giá những loại nguyên liệu khác được định giá bằng đồng “bạc xanh”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác khác, bao gồm cả Nga, còn được gọi liên minh OPEC+, đã hạn chế sản lượng khai thác trong năm nay để hỗ trợ thị trường năng lượng. Đến tháng 7/2019, sản lượng của OPEC đã trở về mức thấp như năm 2011, nhờ sự cắt giảm mạnh sản lượng của Saudi Arabia, nước đứng đầu trong tổ chức OPEC.
Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã gặp bất lợi do việc tăng sản lượng của các nhà sản xuất khác ngoài liên minh, gồm có Mỹ. Theo số liệu được Chính phủ Mỹ công bố ngày 31/7, sản lượng khai thác dầu thô của nước này đã tăng từ mức 11,3 triệu thùng/ngày của tuần trước lên mức 12,2 triệu thùng/ngày.