Vào lúc 14 giờ 30 phút, giá dầu Brent tăng 2,64 USD, hay 2,6%, lên 102,55 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,91 USD, hay 2%, và giao dịch ở mức 98,35 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu này đều giảm hơn 1 USD/thùng, trong đó dầu Brent giảm xuống 98,86 USD/thùng và dầu WTI xuống 94,90 USD/thùng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 16/3 cho biết, lập trường của Ukraine và Nga tại các cuộc đàm phán đã thực tế hơn, nhưng hai bên vẫn cần thêm thời gian.
Bà Tina Teng, chuyên gia phân tích của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets, cho biết giới đầu tư đang chờ đợi thêm manh mối từ các cuộc đàm phán sau hai ngày thị trường dầu bị chi phối bởi hoạt động bán tháo. Nhưng bà dự đoán giá dầu thô có thể tiếp tục chịu áp lực khi tình trạng lạm phát cao cuối cùng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm yếu nhu cầu.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng đồng USD mạnh là một yếu tố chủ chốt gây áp lực lên giá dầu, và giới đầu tư đang dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Giới phân tích dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày sẽ kết thúc trong ngày 16/3.
Lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD mạnh lên và làm giảm nhu cầu dầu, vì đồng USD tăng giá sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuần này, giá dầu còn chịu áp lực từ những lo ngại về tình trạng nhu cầu suy giảm tại Trung Quốc, khi quốc gia đông dân nhất và tiêu thụ dầu thứ hai thế giới này đang thi hành các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.