Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,05 USD (tương đương 0,9%) lên 123,32 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,96 USD (0,8%) lên 121,89 USD/thùng.
Nguồn cung dầu toàn cầu hạn chế trở nên trầm trọng hơn do sự sụt giảm xuất khẩu từ Libya bởi khủng hoảng chính trị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và các cảng. Trong khi đó, các quốc gia thành viên khác của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, gặp khó khăn để tuân thủ đầy đủ mức tăng sản lượng đã cam kết tăng do nhiều lí do và Nga đối mặt với các lệnh cấm về dầu mỏ do liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Các sản phẩm dầu tinh chế trên toàn cầu tiếp tục hạn chế, cũng như việc thiếu đầu tư để nâng nguồn cung trực tuyến từ các thành viên OPEC, hoặc nguồn cung khác, đồng nghĩa với việc phần sản lượng dầu bị mất của Nga không được thị trường toàn cầu hỗ trợ”.
Giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ từ Viện Dầu mỏ Mỹ trong ngày 14/6 và Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ vào ngày 15/6, để đánh giá tình trạng nguồn cung dầu thô và nhiên liệu hạn chế như thế nào.
Một yếu tố khác cũng tác động lớn tới thị trường là tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường tại Trung Quốc. Mới đây, quận Triều Dương (Chaoyang) đông dân nhất của thành phố Bắc Kinh đã thông báo sẽ triển khai đợt xét nghiệm hàng loạt kéo dài ba ngày để dập tắt đợt bùng phát dịch "dữ dội" tại đây.
Các chuyên gia cho biết trong thời gian tới, giá dầu có thể gặp áp lực nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây bất ngờ cho thị trường bằng một đợt tăng lãi suất cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát và có thể gây ra một đợt suy thoái kinh tế.