Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 tăng 1,32 USD (1,2%) lên 110,43 USD/thùng lúc 14 giờ 00 (giờ Việt Nam), sau khi giảm hơn 1 USD đầu phiên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Sáu tăng 62 xu Mỹ (0,6%) lên 110,21 USD/thùng, phục hồi sau mức giảm hơn 2 USD ban đầu. Dầu WTI giao tháng Bảy cũng tiến 1,33 USD (1,2%) lên mức 108,26 USD/thùng.
Ông Satoru Yoshida, một nhà phân tích hàng hóa của công ty môi giới đầu tư Rakuten Securities, cho biết sự sụt giảm của chứng khoán Phố Wall đã làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư khi bắt đầu giao dịch phiên 19/5, vì diễn biến đó nhấn mạnh mối lo ngại về sự suy yếu về cả hoạt động tiêu thụ lẫn nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, các thị trường dầu vẫn phục hồi và giữ xu hướng tăng giá do lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga đang chờ thông qua của Liên minh châu Âu (EU). Nếu được chấp thuận, động thái này sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn cung toàn cầu.
EU trong tháng này đã đề xuất một gói trừng phạt mới đối với Nga liên quan tới tình hình Ukraine. Gói này sẽ bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu từ Nga trong thời gian 6 tháng, song vẫn chưa được thông qua do Hungary là một trong những nước chỉ trích kế hoạch này nhiều nhất.
Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các kế hoạch thu hẹp lệnh phong tỏa tại thành phố đông dân nhất của nước này là Thượng Hải ngày 1/6. Động thái có thể dẫn đến sự phục hồi nhu cầu dầu tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Chuyên gia Stephen Innes thuộc công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết tin tức về việc Thượng Hải có kế hoạch dần dần nối lại hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng liên quận từ ngày 22/5 là yếu tố tích cực hỗ trợ giá dầu.