Sáng phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 1/2022 đã giảm 28 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 87,34 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/9.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 12/2022 đứng ở mức 80 USD/thùng, giảm 8 xu Mỹ, trước khi hợp đồng dầu này hết hạn vào cuối ngày. Giá dầu WTI giao tháng 1/2022 cũng đã giảm 21 xu Mỹ, xuống còn 79,90 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chủ chốt này đều đóng cửa phiên cuối tuần trước ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/9, kéo dài đà giảm trong tuần thứ hai liên tiếp, với dầu Brent giảm 9% và dầu WTI mất 10%.
Nguồn cung dầu thô khan hiếm ở châu Âu đã giảm bớt khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh dự trữ khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12 tới, gây áp lực lên các thị trường dầu thô trên khắp châu Âu, châu Phi và Mỹ.
Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU nói với Reuters rằng, EU dự kiến sẽ hoàn thành các quy định của mình để kịp thời đưa ra kế hoạch hạn chế giá dầu thô của Nga vào ngày 5/12.
Thị trường dầu diesel vẫn khan hiếm, với sự cạnh tranh mua từ châu Âu và Mỹ. Mặc dù Trung Quốc tăng gần gấp đôi lượng xuất khẩu dầu diesel trong tháng 10/2022 so với một năm trước đó, lên 1,06 triệu tấn, thì khối lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức xuất khẩu 1,73 triệu tấn của tháng Chín.
Nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới vẫn bị đình trệ bởi các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19, trong khi kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng ở những nơi khác đã nâng đỡ đồng USD đi lên, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư.