Vào lúc 13 giờ 52 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,18%, hay 47 xu Mỹ, xuống 39,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,80%, hay 67 xu Mỹ, xuống còn 36,62 USD/thùng.
Saudi Arabia và Nga, hai trong số những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã nhất trí ủng hộ việc gia hạn đến tháng 7 thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã đạt được hồi tháng 4. Nhưng họ lại không thể đi đến đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/6 để thảo thuận về vấn đề này.
Nếu không thể nhất trí về việc duy trì mức cắt giảm kỷ lục nói trên, OPEC+ sẽ quay về mức cắt giảm đã thỏa thuận hồi tháng 4, là 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7.
Ngoài ra, Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác ở vùng Vịnh là Kuwait và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống Nhất không có ý định duy trì mức tự nguyện cắt giảm sản lượng bổ sung 1,18 triệu thùng/ngày sau tháng 6, có nghĩa là nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên vào tháng tới dù OPEC+ có quyết định thế nào đi nữa.
Bên cạnh đó, lượng dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất ở Mỹ tăng mạnh cũng đè nặng lên giá dầu. Số liệu công bố ngày 3/6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng xăng dự trữ của nước này tăng 2,8 triệu thùng, gấp gần ba lần mức dự đoán của giới phân tích, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 9,9 triệu thùng, cao hơn dự đoán gần 4 lần.