Vào lúc 13 giờ 3 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 3 xu (0,03%) xuống 100,51 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ (WTI) không đổi và giữ ở mức 94,42 USD/thùng. Vào đầu phiên, giá mặt hàng này giảm 1% giữa những lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong đó có Nga, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp trong ngày 3/8. Theo các nguồn tin thân cận, OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên sản lượng trong tháng Chín hoặc tăng nhẹ.
Các nhà phân tích dự kiến triển vọng nhu cầu yếu sẽ khiến OPEC+ không thay đổi chính sách sản lượng giữa những lo ngại suy thoái gia tăng.
Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định quyết sách của OPEC+ sẽ là nhân tố chính tác động đến thị trường dầu mỏ và giá dầu sẽ ở mức ổn định cho đến khi OPEC+ đưa ra quyết định chính sách sản lượng của tháng Chín.
Trước cuộc họp, OPEC+ đã cắt giảm dự báo thặng dư thị trường dầu trong năm nay xuống 800.000 thùng/ngày (giảm 200.000 thùng/ngày).
Nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank nhận định một số yếu tố đang đè nặng lên triển vọng nhu cầu như nỗi lo ngày càng tăng về sự suy giảm kinh tế tại Mỹ và châu Âu, tình trạng nợ nần tại các nền kinh tế mới nổi và chính sách "Không COVID" của Trung Quốc kiềm chế hoạt động kinh tế tại nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Trước rủi ro giảm giá ngày càng tăng, nhà phân tích Dhar dự báo giá dầu sẽ ở mức 100 USD/thùng trong quý IV/2022.
Viện Xăng Dầu Mỹ ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/7, ngược với dự báo của các nhà phân tích về mức giảm khoảng 600.000 thùng.