Vào đầu giờ chiều 14/7, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 20 xu Mỹ xuống 81,16 USD, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu Mỹ xuống 76,75 USD/thùng. Trước đó, giá cả hai loại dầu này đều tăng ba phiên liên tiếp.
Ngày 13/7, nhiều mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa do cuộc biểu tình của một bộ tộc địa phương. Ngoài ra, trong một diễn biến khác cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu, tập đoàn Shell đã cho dừng các chuyến hàng dầu thô Forcados của Nigeria do khả năng rò rỉ tại một cảng.
Công ty nghiên cứu ANZ Research dự đoán chỉ riêng tình hình biểu tình ở Libya có thể khiến nguồn cung trên thị trường dầu giảm hơn 250.000 thùng/ngày.
Chuyên gia Edward Moya của công ty dịch vụ tài chính OANDA cho biết giá dầu thô đang được hỗ trợ nhờ những đồn đoán rằng thị trường dầu sẽ rất thắt chặt trước tình hình gián đoạn tại Libya và Nigeria, trong khi lượng dầu thô xuất khẩu của Nga giảm xuống.
Hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa để hỗ trợ giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2023, và cho rằng nhu cầu sẽ tăng 2,2% trong năm 2024. Ngân hàng Quốc gia Australia dự đoán nếu dự báo của OPEC trở thành sự thật, cùng với lực đẩy từ sự suy yếu của đồng USD, giá dầu sẽ tăng lên hơn 100 USD/thùng.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng vừa phải trong tháng 6 với mức tăng theo năm thấp nhất trong hơn hai năm qua, khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Giá sản xuất cũng chỉ tăng nhẹ trong tháng trước với mức tăng theo năm thấp nhất trong gần ba năm qua.
Cả hai chỉ báo này đang khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980.