Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 7 xu Mỹ, xuống 82,18 USD/thùng vào lúc 14 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 6 xu Mỹ trong phiên trước.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giảm 19 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 78,2 USD/thùng, sau khi giảm 11 xu Mỹ trong phiên trước.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ (Australia) cho rằng việc các nước mở kho dự trữ chiến lược đã thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc kiểm soát thị trường giữa các nước sản xuất lớn nhất thế giới.
Mọi sự chú ý hiện đang được tập trung vào Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, khi nhóm này sẽ có cuộc họp trong tuần tới để thảo luận về cung cầu dầu mỏ.
OPEC hiện tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày kể từ tháng Tám, sau quyết định cắt giảm kỷ lục trong năm ngoái, khi các biện pháp kiểm soát dịch đã khiến nhu cầu lao dốc.
Tại cuộc họp sắp tới, OPEC+ sẽ quyết định việc có tăng thêm sản lượng 400.000 thùng/ngày từ tháng 1/2022 hay không.
Theo các nguồn tin, OPEC+ sẽ không thảo luận việc dừng tăng sản lượng, dù Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác mở kho dự trữ dầu.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Đức), động thái phối hợp giải phóng kho dự trữ dẫn đầu là Mỹ có thể đưa thêm khoảng 70-80 triệu thùng dầu vào thị trường.
Tuy nhiên, ANZ cho rằng việc giải phóng 70 triệu thùng từ kho dự trữ có thể khiến thị trường dư cung. Ngân hàng này nhận định OPEC+ sẽ dừng thực hiện kế hoạch tăng sản lượng vào tháng Một tới.