Phiên này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 48 xu (tương đương 0,64%) xuống 74,50 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 39 xu (0,55%) xuống còn 70,48 USD/thùng.
Giá của hai loại dầu này đang trên đà hướng tới mức giảm khoảng 1,1% trong tuần. Nếu thành sự thật, đây sẽ là chuỗi giảm hàng tuần dài nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay.
Giá “vàng đen” đã tăng vào đầu phiên do thị trường có một số kỳ vọng về triển vọng nhu cầu sau bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm. Theo Bộ trưởng, Chính phủ Mỹ có thể mua lại dầu để lấp đầy Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) sau khi một số giao dịch sẽ kết thúc vào tháng Sáu.
Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ mua dầu khi giá duy trì bền vững ở trong hoặc dưới mức 67 - 72 USD/thùng.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để tăng giới hạn nợ liên bang của Mỹ có thể không đạt được thỏa thuận kịp thời để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ. Nếu kịch bản này xảy ra, nó có thể dẫn tới nhiều xáo trộn thị trường nghiêm trọng.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về trần nợ của Chính phủ Mỹ bị đình trệ và xuất hiện những lo ngại mới về lĩnh vực ngân hàng của nước này, thị trường ngày càng lo ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.
Ngoài ra, sự sụt giảm các khoản vay mới cho các doanh nghiệp và các số liệu kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc đã củng cố những nghi ngờ về khả năng đà phục hồi hậu COVID-19 của nước này sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Thị trường dầu phần lớn phớt lờ dự báo về nhu cầu năm 2023 do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra, trong đó ước tính nhu cầu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng.
Cùng với đó, bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cũng lưu ý số liệu lạm phát yếu đi từ cả hai quốc gia cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm phần nào.