Phiên này, giá dầu Brent tăng 40 xu (tương đương 0,5%) lên 81,17 USD/thùng vào lúc 14 giờ 23 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 48 xu (0,6%) lên 77,55 USD/thùng.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4. Các nhà phân tích đã dự đoán mức giảm vào khoảng 1,5 triệu thùng.
Trong cùng kỳ báo cáo, dự trữ xăng của Mỹ giảm 1,9 triệu thùng còn dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,7 triệu thùng.
Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức vào thứ Tư (giờ địa phương).
Trong khi đó, giới quan sát lưu ý rằng lực đẩy cho giá dầu từ quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) đang dần yếu đi. Hoạt động xuất khẩu dầu của Nga cũng không cho thấy bất kỳ sự sụt giảm rõ ràng nào, khiến phía cung không còn yếu tố hỗ trợ.
Mặc dù số liệu từ API đã đẩy thị trường năng lượng lên cao hơn vào thứ Tư, nhưng những lo ngại kéo dài về triển vọng nền kinh tế và kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu. Những nỗi lo này đang chống lại các dấu hiệu cải thiện về mức tăng tiêu dùng ngắn hạn.
Đáng chú ý, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng vào tháng 4/2023 do họ ngày càng lo lắng về tương lai. Điều đó làm tăng thêm nguy cơ nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn nhằm kiểm soát lạm phát có thể kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm nhu cầu năng lượng ở Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được cho là sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sắp tới. Fed dự kiến họp vào ngày 2-3/5.