Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng kỳ hạn giảm 43 xu Mỹ (0,4%), xuống 108,60 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 60 xu Mỹ (0,6%), xuống 105,16 USD/thùng.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Tsuyoshi Ueno tại Viện Nghiên cứu NLI (Nhật Bản) cho biết vào đầu phiên giao dịch, thị trường đã ‘thở phào nhẹ nhõm’ sau đợt bán tháo phiên hôm trước khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, tuyên bố sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng Tám”. Tuy nhiên, ông nói không chắc chắn về chính sách của OPEC+ trong và sau tháng Chín cùng với lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ, dẫn đến giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trước đó, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng Bảy và tháng Tám, tăng so với kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/tháng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện chuyến công du với ba điểm dừng chân tại Trung Đông vào giữa tháng Bảy, bao gồm chuyến thăm Saudi Arabia, giữa bối cảnh Mỹ và các quốc gia khác đang phải đối mặt với việc giá nhiên liệu tăng cao làm gia tăng lạm phát.
Trong một diễn biến khác, nghiệp đoàn Lederne ở Na Uy ngày 30/6 cho biết 74 công nhân làm việc ở các giàn khoan dầu ngoài khơi Gudrun, Oseberg South và Oseberg East của công ty Equinor, sẽ đình công từ ngày 5/7, điều này có khả năng sẽ khiến sản lượng khai thác dầu của nước này giảm khoảng 4%.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy giá dầu dự kiến sẽ duy trì trên 100 USD/thùng trong năm nay khi châu Âu và nhiều khu vực khác gặp nhiều khó khăn khi cắt giảm nguồn cung từ Nga, bất chấp việc các rủi ro kinh tế có thể làm chậm đà tăng giá trên.