Tuy nhiên, đà tăng của giá "vàng đen" trong phiên này bị giới hạn bởi nỗi lo thị trường dư cung khi nhu cầu đối dầu mỏ giảm do dịch COVID-19.
Vào lúc 7 giờ 58 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,23 USD (3,9%) lên 32,71 USD/thùng sau khi mở phiên tăng lên mức cao 33,99 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,39 USD/thùng (6,1%) lên 24,15 USD/thùng sau khi tăng đạt mức cao 24,74 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác ngày 12/4 nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu. Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới. Cụ thể, OPEC cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+ nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian hai tháng từ tháng 5 - 6/2020. Kết quả này đạt được sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc dàn xếp với Mexico.
Theo một số nguồn tin từ OPEC, thỏa thuận trên đã được nhất trí trong cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày và thỏa thuận này đã được xác nhận trong tuyên bố do Bộ Năng lượng Kazakhstan đưa ra. Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng hai năm, cho đến tháng 4/2022. Ngoài ra, OPEC+ còn bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm sản lượng thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng/ngày.
Nhận định về thỏa thuận nói trên, Phó Chủ tịch IHS Markit Daniel Yergin cho biết việc đạt được thỏa thuận cho phép ngành dầu mỏ toàn cầu và các nền kinh tế cũng như các ngành công nghiệp phụ thuộc vào ngành này tránh được một cuộc khủng hoảng rất sâu. Các nhà lãnh đạo của ba nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới gồm Nga, Mỹ và Saudi Arabia đều ủng hộ thỏa thuận này, theo nguồn tin từ Điện Kremlin.