Giá dầu Brent tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 97 xu Mỹ (tương đương 3%) lên 32,84 USD/barrel. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại New York (Mỹ) tăng 1,46 USD (6,2%) lên 25,09 USD/thùng.
Giá dầu đã “lao dốc” trong thời gian qua do nhu cầu dầu giảm mạnh vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tình trạng dư thừa nguồn cung. Giá dầu Brent trong ngày 30/3 vừa qua đã giảm xuống còn 21,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Hội nghị truyền hình của OPEC+ diễn ra trong ngày 9/4 dự kiến sẽ đạt kết quả thành công hơn so với hội nghị trước đó vào tháng 3/2020, vốn kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng, dẫn đến một “cuộc chiến giá dầu" giữa Saudi Arabia và Nga.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, OPEC+ đang đứng trước sức ép rất lớn về việc cắt giảm sản lượng dầu.
Niềm tin của các nhà đầu tư gia tăng trước những dự đoán về việc OPEC+ có thể đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi các phương tiện truyền thông Nga đưa tin Moskva sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu trong nước bớt 1,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, ông Mohamed Arkab, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab kiêm Chủ tịch OPEC, cho hay cuộc họp ngày 9/4 của OPEC+ sẽ thu được kết quả tốt đẹp nhằm tái cân bằng thị trường thông qua những biện pháp mà các nước thành viên OPEC sẽ thực hiện.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ ngày 7/4 cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm mà không có sự can thiệp nào của chính phủ. Số liệu thống kê chính thức của Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã tăng lên mức cao kỷ lục 15,2 triệu thùng cho dù sản lượng dầu của Mỹ đã giảm 600.000 thùng xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày.