Vào lúc 14 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tăng 1,12 USD (1,5%) lên 74,20 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,22 USD (1,8%) lên 70,71 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm trong tuần trước do lo ngại vaccine ngừa COVID-19 có thể kém hiệu quả đối với biến thể mới Omicron. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các chính phủ có thể áp đặt các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu mỏ.
Các báo cáo ở Nam Phi cho thấy các trường hợp nhiễm biến thể Omicron chỉ bị các triệu chứng nhẹ và chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nhận định rằng cho đến nay tình hình dường như không quá nghiêm trọng. Giới chuyên gia cho biết, động lực tăng trưởng dường như đang trở lại.
Trong khi đó, quyết định tăng giá bán dầu cuối tuần qua của Saudi Arabia được thực hiện bất chấp quyết định tiếp tục tăng nguồn cung hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022 của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, trong lúc Mỹ mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi triển vọng Iran gia tăng xuất khẩu dầu bị lu mờ sau cuộc đàm phán trực tuyến giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân hồi tuần trước.
Iran cho hay thách thức lớn để đi đến một thỏa thuận là Mỹ miễn cưỡng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trong khi các cường quốc phương Tây nghi ngờ về quyết tâm "cứu" thỏa thuận này của Tehran. Cuộc đàm phán dự kiến sẽ nối lại trong tuần này.