Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay từ đầu tuần này, giá dầu liên tiếp đi lên, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa dự báo rằng các công ty và doanh nghiệp dầu khí của nước Mỹ sẽ sản xuất 9,9 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2018, thấp hơn mức ước tính 10 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước. Trong khi đó, đồng USD yếu đi cũng ảnh hưởng tích cực đến thị trường dầu mỏ, vốn được định giá bằng đồng bạc xanh.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 13/7, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ và dầu Brent Biển Bắc của Anh đồng loạt tăng hơn 1,3%, giữa bối cảnh IEA dự báo triển vọng nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu tăng cao, nhờ nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc, Đức và Mỹ có xu hướng đi lên những tháng gần đây.
Theo IEA, nhu cầu dầu trên thế giới dự kiến đạt 98 triệu thùng/ngày tổng cộng trong năm 2017 và 99,4 triệu thùng/ngày năm 2018. Trong khi đó, nguồn cung dầu thế giới có dấu hiệu thắt chặt hơn khi báo cáo hàng tuần của EIA cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 7,6 triệu thùng tính trong tuần kết thúc ngày 7/7, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng của thị trường.
Xu hướng đi lên của giá dầu tiếp tục nối dài tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 14/7), sau khi thông tin mới nhất cho thấy nhịp độ tăng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ có xu hướng chậm lại và nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng. Ngoài ra, tình hình bất ổn về nguồn cung dầu tại Nigeria cũng góp phần hậu thuẫn đà tăng giá dầu phiên cuối tuần.
Khép lại phiên giao dịch 14/7, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2017 tăng 46 xu Mỹ (1%), lên 46,54 USD/ounce. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2017 cũng tăng 49 xu Mỹ (khoảng 1%), lên 48,91 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng hơn 5,2% và dầu Brent tiến hơn 4,7%.
Các thông tin phát đi cuối ngày 13/7 cho biết, công ty Royal Dutch Shell tại Nigeria đã tuyên bố việc ngừng cung cấp xuất khẩu dầu thô Bonny Light vì một đường ống ngừng hoạt động. Lý do ngừng hoạt động không được đưa ra trong báo cáo, nhưng cơ sở hạ tầng dầu khí tại khu vực Niger Delta thường bị các nhóm vũ trang phá hoại.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Năng lượng của Nigeria mới đây cũng cho biết, nước này sẵn sàng hạn chế sản lượng nhằm ủng hộ nỗ lực giảm bớt tình trạng dư cung toàn cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Hiện Libya và Nigeria là hai quốc gia thành viên OPEC được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được hồi cuối năm ngoái.
Ngoài ra, báo cáo cùng ngày từ Trung Quốc cho hay, nhập khẩu dầu thô của nước này trong sáu tháng đầu năm 2017 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016, khiến thị trường lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ năng lượng trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhân tố chính giúp giá dầu bật tăng trong phiên này là báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes. Theo báo cáo trên, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này chỉ tăng 2 giàn lên 765 giàn. Đây là mức tăng thấp nhất trong năm nay.
Ngoài ra, sản lượng dầu tại khu vực Bắc Dakota của Mỹ cũng hạ 10.000 thùng/ngày trong tháng Năm, khiến mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng dư cung dầu được xoa dịu phần nào. Tuy nhiên, dự trữ dầu trên toàn cầu hiện vân cao hơn khá nhiều so với mức dự trữ trung bình của 5 năm qua, còn giá dầu thì thấp hơn 15% so với các mức "đỉnh" xác lập kể từ đầu năm tới nay.
Theo lịch trình EIA sẽ công bố báo cáo hàng tháng vào ngày 17/7 tới, trong đó có cả dự báo về sản lượng dầu đá phiến trong tháng 8/2017.