Áp lực bán lớn nhất trong phiên hôm qua thuộc về nhóm năng lượng, khi mà các mặt hàng dầu thô và xăng đồng loạt giảm mạnh. Tâm lý chờ đợi trước cuộc họp OPEC+ khiến dòng tiền vẫn chưa quay trở lại và giá trị giao dịch của nhóm này sụt giảm gần 20%, qua đó khiến tổng giá trị giao dịch toàn Sở hạ về gần mức 3.000 tỷ đồng.
Giá dầu quay đầu rơi mạnh sau thời gian tăng phi mã
Giá dầu có phiên lao dốc với mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch 3/11, giá WTI giảm 3,63% xuống 80,86 USD/thùng, giá Brent giảm 3,22% xuống 81,99 USD/thùng.
Sức ép chủ yếu đến từ nguồn cung khi EIA công bố số liệu trong báo cáo Dầu khí hàng tuần cho thấy, tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh 2 tuần liên tiếp. Sản lượng dầu đã phục hồi trở lại mức 11,5 triệu thùng/ngày trước khi các cơn bão Ida tàn phá vùng Vịnh Mexico trong tháng 9 và khiến cho các giàn khoan ở biển gặp ảnh hưởng.
Trong khi đó, dầu ở các kho dự trữ chiến lược (SPR) vẫn đang được cung cấp cho các nhà máy lọc dầu theo các thoả thuận để đối phó với ảnh hưởng của bão, khiến cho tồn kho dầu thô tăng mạnh. Nếu không tính đến 1,6 triệu thùng từ SPR, tồn kho thực chất chỉ tăng khoảng 1,7 triệu thùng, khá tương đồng với diễn biến hàng năm, khi tồn kho dầu thường tăng lên trong giai đoạn tháng 10.
Việc Iran quay trở lại đàm phán hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 11 cũng khiến tâm lý thị trường suy yếu. Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng trì hoãn các bên thể hiện thiện chí nối lại thoả thuận để đi đến vòng đàm phán thứ 7 và cả 2 bên đều bày tỏ ý định đạt được bước tiến mới đáng kể và đi đến các thoả thuận mới có ý nghĩa.
Giá dầu nội địa nhạy hơn sau kì điều chỉnh 10 ngày?
Giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 5% so với mức đỉnh hồi tuần trước. Đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô. Việc giá thành đầu vào hạ nhiệt có thể giúp doanh nghiệp bớt gặp áp lực và niêm yết giá thành phẩm phù hợp hơn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ ngày 2/1/2022, kì điều chỉnh giá xăng dầu sẽ rút ngắn từ 15 ngày xuống 10 ngày. Giá cơ sở xăng dầu không chỉ được xác định từ nguồn nhập khẩu mà sẽ tính thêm từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước. Ngoài ra, công thức tính còn bao gồm các khoản thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, các khoản thuế phí khác…
Thời gian điều hành sẽ áp dụng vào ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng. Trường hợp kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, lễ, thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Nếu giá cơ sở tăng trên 10%, mức giá biến động lớn làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công thương. Với các thay đổi này, diễn biến giá xăng dầu trong nước có thể sẽ nhạy hơn cùng với giá dầu thô thế giới.