Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,37 USD (2,3%) xuống 59,32 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/10/2019. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,05 USD (1,9%) xuống 53,14 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10/2019.
Các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, mà giá dầu có xu hướng biến động theo, cũng giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu tăng vọt đối với các loại tài sản an toàn, như đồng yen Nhật Bản và trái phiếu kho bạc.
Theo thông tin mới nhất, số ca tử vong do virus corona đã tăng lên 106 người tại Trung Quốc và Bắc Kinh kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán đến ngày 2/2, nhằm hạn chế sự đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới.
Một báo cáo mới đây của RBC Capital Markets cho rằng số lượng thành phố ở Trung Quốc "đóng cửa" cùng với số lượng chuyến bay bị hủy gia tăng là mối đe dọa tại một trong những khu vực tăng trưởng ổn định nhất về nhu cầu dầu mỏ. Nhiên liệu máy bay chiếm khoảng 15% tăng trưởng nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, RBC lưu ý lo ngại nhu cầu năng lượng giảm hiện chỉ giới hạn tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 27/1 cố gắng giảm bớt tác động xấu từ dịch viêm phổi cấp do virus corona, khi Riyadh cho biết OPEC sẽ có phản ứng với bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu năng lượng.
OPEC và các đồng minh, gồm có Nga (được gọi OPEC+), đã cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá dầu mỏ trong gần 3 năm qua, đã nhất trí từ ngày 1/1/2020 cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm lên 1,7 triệu thùng/ngày cho tới tháng 3/2020.
Giá dầu Brent đã giảm gần 20% kể từ khi tăng vọt lên trên 70 USD/thùng sau khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran hồi đầu tháng này.