Cụ thể, lúc 13 giờ 24 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 39 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 83,75 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI cũng tăng 39 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 79,44 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Yeap Jun Rong của công ty môi giới IG Singapore nhận định rằng triển vọng chính sách của Fed sẽ là động lực chính cho thị trường trong thời gian tới. Với những số liệu mới về lạm phát của Mỹ và thị trường lao động sau cuộc họp mới nhất, thị trường sẽ tập trung vào những yếu tố mà Chủ tịch Fed đề cập đến khi nói về chính sách tiền tệ trong hội nghị tại Jackson Hole (Mỹ).
Trong mấy phiên gần đây, sự thận trọng của nhà đầu tư trước thềm hội nghị trên đã làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD khiến đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong 10 tuần và ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một tháng. Đồng USD mạnh khiến dầu thô đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ở Iraq về xuất khẩu dầu thô vẫn đang diễn ra sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận khởi động lại xuất khẩu dầu vào đầu tuần này.
Truyền thông Iran dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết thị trường đang theo dõi chặt chẽ xuất khẩu dầu của Iran vì sản lượng dầu thô của nước này ước đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng Chín, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng.
Trong một động thái gây áp lực thêm lên tâm lý thị trường, các quan chức Mỹ đang soạn thảo một đề xuất nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela, cho phép nhiều công ty và quốc gia nhập khẩu dầu thô từ nước này.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, các thông tin mới đã xoa dịu lo ngại về nguồn cung thắt chặt - vốn đóng vai trò hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích ước tính Saudi Arabia có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 10, khi vương quốc này đặt mục tiêu giảm thêm lượng hàng tồn kho toàn cầu.