Trên thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 74 xu Mỹ (1,4%) lên 53,95 USD/thùng vào lúc 13 giờ 45 phút (giờ Việt Nam). Sau 2 năm tăng liên tiếp, giá dầu Brent đã giảm gần 20% trong năm 2018.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 51 xu (1,1%) lên mức 45,84 USD/thùng. Giá loại dầu này cũng đã giảm khoảng 24% trong năm nay.
Trong phần lớn thời gian của năm 2018, thị trường năng lượng đã chứng kiến giá dầu đi lên nhờ nhu cầu tăng cao cùng những mối lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là khi Mỹ tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt mới kể từ tháng 11/2018 lên Iran - một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn của thế giới.
Giữa bối cảnh đó, giá dầu Brent - vốn được coi là thước đo chuẩn cho giá dầu toàn cầu - đã tăng khoảng 30% trong giai đoạn từ tháng 1 - 10/2018 và lên mức cao 86,74 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 và nhiều nhà phân tích tại thời điểm đó dự đoán giá dầu sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, giá dầu Brent đã quay đầu giảm gần 40% từ mức cao nhất của năm 2018 xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng, đánh dấu một trong những đợt bán tháo mạnh nhất mà thị trường năng lượng từng chứng kiến trong những thập niên qua.
Sự sụt giảm của giá dầu xảy ra sau khi Washington bất ngờ miễn trừ lệnh cấm cho một số khách hàng lớn nhất của Iran, trong bối cảnh giới thị trường ngày càng lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu giữa lúc các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động xấu đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà phân tích nhận định áp lực đi xuống đối với giá dầu có thể sẽ giảm dần từ tháng 1/2019, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất ngoài khối, trong đó có Nga, bắt đầu cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể phải chịu một số áp lực từ việc sản lượng dầu thô ngày càng tăng tại Mỹ, quốc gia vừa trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới năm 2018 với sản lượng 11,6 triệu thùng/ngày.