Chỉ số hàng hóa MXV-Index đóng cửa tăng 2.7% lên mức 2,419 điểm, chủ yếu nhờ vào mức tăng của nhóm kim loại và năng lượng. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4,200 tỷ đồng trong tuần vừa qua.
Dầu thô WTI lên đỉnh cao nhất từ tháng 11 năm 2014
Giá dầu tiếp nối dài đà tăng trong tuần vừa rồi, thúc đẩy bởi kỳ vọng tiêu thụ dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm. Kết thúc tuần, giá dầu WTI trên ở NYMEX đánh dấu chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp với mức tăng 3.69% lên 82.28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent trên sở ICE tăng 3% lên 84.86 USD/thùng.
Đà tăng của dầu được củng cố nhờ cả 3 tổ chức năng lượng lớn là Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều nâng dự báo tiêu thụ dầu trong quý IV năm nay, trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đã tìm ra giải pháp để gia tăng nguồn cung.
Theo các ước tính hiện tại, nhu cầu dầu có thể tăng thêm 500 – 700 nghìn thùng/ngày trong mùa đông năm nay, cao hơn mức tăng sản lượng của nhóm OPEC+. Nhu cầu tăng khiến cho các nước tiêu thụ lớn phải cạnh tranh để đảm bảo không bị thiếu hụt trong thời gian tới. Tiêu biểu là Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu tại nước này được cho là đang gia tăng thu mua dầu giao trong tháng 11 và tháng 12, sau khi đã được chính phủ cấp hạn ngạch thêm hàng triệu tấn và các nhà máy sản xuất điện được phép điều chỉnh giá bán lẻ. Chênh lệch giữa Brent – WTI đã giảm từ 3 USD xuống khoảng 2 USD/thùng cho thấy các thương nhân đang ưu tiên các sản phẩm có mức giá thấp hơn. Điều này cho thấy nhiều khả năng xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, thúc đẩy giá tăng và cũng lý giải tại sao các quỹ cắt giảm bớt vị thế nắm giữ Brent trong khi gia tăng nắm giữ các hợp đồng WTI.
Giá kim loại trên Sở Giao dịch LME tăng đột biến
Sau một thời gian dài giao dịch vô cùng ảm đạm do chịu nhiều sức ép từ đồng USD, các mặt hàng kim loại màu vừa có một tuần vô cùng thăng hoa. Đáng chú ý, giá đồng vọt tăng gần 11% lên 4.7 USD/pound, trong khi giá kẽm trên Sở giao dịch LME tăng tới 20% lên mức 3,794 USD/tấn. Bạc và bạch kim cũng đồng loạt tăng gần 3%.
Đồng USD suy yếu trong tuần vừa qua trước số liệu việc làm thiếu ổn định và chỉ số giá CPI cho thấy mức lạm phát cao nhất trong 1 thập kỷ, khiến cho các nhà đầu tư giảm niềm tin vào vai trò của đồng bạc xanh, tuy nhiên, đây lại là yếu tố hỗ trợ cho giá bạc đi lên.
Giá bạc và giá đồng đang có xu hướng đi cùng nhau hơn trong giai đoạn này, bởi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc khiến cho các nhà máy sản xuất kim loại phải đóng cửa, thắt chặt nguồn cung của các kim loại này trên toàn cầu. Tuy nhu cầu tiêu thụ cũng sụt giảm, nhưng khi các nước đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường, nguồn cung sẽ là thứ khó tăng lên để bù lại hơn. Đặc biệt, nguồn cung đồng suy yếu đáng lo ngại hơn, do kim loại này đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày hơn so với bạch kim. Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng trong tháng 9 của Trung Quốc vẫn tăng so với tháng 8 bất chấp cuộc khủng hoảng điện cũng là yếu tố cho thấy triển vọng sáng sủa của thị trường và hỗ trợ giá đồng tăng mạnh.
Nông sản hồi phục vào cuối tuần nhưng không tránh được sắc đỏ
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nông sản. Đậu tương là mặt hàng dẫn đầu mức giảm của toàn bộ nhóm nông sản với 2% thấp hơn so với mức tham chiếu. Đây đã là tuần giảm thứ 6 trên 7 tuần gần nhất, đẩy giá đậu tương xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay do số liệu tồn kho cuối niên vụ 2021/22 của Mỹ tăng mạnh trong báo cáo của Bộ nông nghiệp nước này.
Dầu đậu tương chỉ giảm nhẹ chưa tới 0.4%. Lo ngại về nguồn cung dầu cọ ở Malaysia được giảm bớt khi nước này đã tạo sức ép lên giá. Giá khô đậu tương cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi giá đậu tương giảm mạnh.
Giá ngô đóng cửa với mức giảm gần 1%. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 10, tồn kho ngô Mỹ được dự báo tăng thêm 100 triệu giạ so với báo cáo tháng 09. Ngược lại, sản lượng ethanol của Mỹ đã vượt trở lại mốc 1 triệu thùng lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8 đến nay đã hỗ trợ giá phục hồi một phần trong phiên cuối tuần.
Lúa mì đóng cửa tuần trước với mức giá không thay đổi. Tồn kho lúa mì của Mỹ giảm 40 triệu giạ về mức 576 triệu giạ, tương đương với dự đoán được đưa ra trước báo cáo là yếu tố chính hỗ trợ cho giá khi thị trường chung đều chịu sức ép từ lực bán mạnh.
Cà phê Arabica và Robusta có diễn biến trái chiều
Các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần với sự phân hóa mạnh. Ở thị trường cà phê, trong khi hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1% lên 203.4 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 11 giảm 0.3% còn 2033 USD/tấn. Cả hai mặt hàng cà phê đều tăng mạnh trong hai phiên đầu tuần, khi mà những lo ngại về nguồn cung đẩy giá Arabica lên gần 215 cents/pound, kéo theo giá Robusta cũng được hưởng lợi. Các số liệu xuất khẩu tiêu cực ở cả Brazil và Việt Nam cũng phần nào làm trầm trọng thêm những lo ngại này, và hỗ trợ giá cả hai mặt hàng cà phê giữ giá. Tới những phiên cuối tuần, giá cả hai mặt hàng cà phê đều điều chỉnh lại, nhưng giá Arabica vẫn đóng cửa với sắc xanh bởi lực mua trước đó trên Sở ICE US vượt trội hơn. Giá Robusta dù giảm nhưng vẫn đang được giao dịch trong biên độ đi ngang từ 2110 – 2180 USD/tấn.
Ở thị trường đường, sau khi lập đỉnh cao nhất trong vòng 4 năm, giá gặp phải áp lực chốt lời và quay đầu giảm mạnh. Hợp đồng đường 11 tháng 3/2022 kết thúc tuần thấp hơn 2.4% ở mức 19.8 cents/pound. Giá vẫn chưa thể giao dịch ổn định trên mức 20 cents. Trái lại, hợp đồng đường trắng đóng cửa tuần gần như không đổi so với giá tham chiếu trước đó, ở mức 520 USD/tấn.
Giá bông cũng có diễn biến tương tự như giá đường trong tuần vừa qua, khi gặp phải áp lực chốt lời ngay từ đầu tuần. Vì trước đó, giá bông tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, nên lực bán chốt lời rất áp đảo và khiến giá có tuần đầu tiên giảm điều chỉnh sau 3 tuần tăng nóng. Hợp đồng bông tháng 3/2022 giảm gần 3% còn 107.3 cents/pound.
Giá ca cao kết thúc tuần giảm mạnh hơn 5% sau khi lượng ca cao xay ở một số khu vực tiêu thụ chính như Châu Âu và Bắc Mỹ đều tăng yếu hơn so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu thụ đang suy yếu.