Góp thêm diễn biến bất ngờ trong một ngày giao dịch "phập phù", giá dầu Brent và West Texas Intermediate (WTI) ban đầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đầu ngày, theo đúng lộ trình giảm giá mạnh nhất trong nhiều năm trên các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, biểu đồ giá dầu bất ngờ thay đổi tại các thị trường châu Á vào chiều 13/3, trong đó giá dầu WTI tăng khoảng 4% lên mức 33USD/thùng và giá dầu Brent cũng tăng 3,9% lên mức 34,5 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau khi có thông tin về việc Mỹ tiến hành không kích quốc gia dầu mỏ Iraq. Tuy nhiên, giá dầu WTI chủ chốt vẫn giảm hơm 20% trong cả tuần và trên đà chạm mốc giảm hằng tuần sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá dầu Brent giảm khoảng 25% trong tuần qua.
Thị trường dầu lao dốc từ hôm đầu tuần sau khi các nhà xuất khẩu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga lao vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả do mâu thuẫn về cắt giảm sản lượng để hỗ trợ ngành dầu mỏ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khiến nhu cầu giảm. Các diễn biến căng thẳng kéo giá dầu Brent và WTI giảm sâu, khoảng 1/3 giá trị. Dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm gia tăng áp lực lên giá dầu khi ngày càng nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu, đặc biệt khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng gia tăng.
Ngày 12/3, Goldman Sachs dự báo tới khoảng tháng 4/2020, thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến tình trạng dư cung cao lịch sử, khoảng 6 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh sản lượng dầu tăng cao hơn dự tính trong khi nhu cầu dầu mỏ sụt giảm mạnh, chủ yếu do tác động của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh mọi giới hạn sản lượng đã bị dỡ bỏ do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước xuất khẩu ngoài khối (OPEC+) không thể đi đến thỏa thuận về vấn đề này, dẫn tới tình trạng cả Riyadh và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên các mức kỷ lục trong khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng cam kết sẽ tăng năng lực sản xuất, qua đó đánh tín hiệu về một chiến lược dài hạn của các công ty Mỹ và các nhà sản xuất khác nhằm giành thị phần .
Trong phân tích đưa ra ngày 12/3, ngân hàng có trụ sở tại Phố Wall, Mỹ, cho rằng việc các nhà sản xuất dầu chi phí cao cắt giảm sản lượng khi dự báo quý II/2020 cho thấy mức giá dầu Brent ở 30 USD/thùng, sẽ không đủ nhanh để cân bằng với lượng lưu kho ngày càng nhiều trong những tháng tới. Lượng hàng tồn kho tăng vọt cũng sẽ buộc một số nhà sản xuất dầu chi phí cao trong đất liền phải tạm ngừng sản xuất vì áp lực đảm bảo cơ sở hạ tầng lưu kho. Goldman Sachs dự báo lượng dầu tồn kho trong chỉ 6 tháng tới sẽ tăng dần lên tương đương với mức tồn kho đã được ghi nhận trong 18 tháng từ năm 2014-2016.
Ngân hàng này cũng dự đoán nhu cầu giảm khoảng 4,5 triệu thùng/ngày do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng chỉ ra những dấu hiệu cải thiện trong nhu cầu dầu mỏ tại thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 310.000 thùng/ngày vào năm 2021 và cân bằng một cách vừa phải mọi phản ứng của các nhà sản xuất dầu chi phí cao, đặc biệt là dự báo sản lượng dầu đá phiến sẽ giảm khoảng 900.000 thùng/ ngày trong quý I/2021.