Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 2,28 USD (2,03%), lên 114,4 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 2,89 USD (2,5%), lên 118,51 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều tăng hơn 7% do nguy cơ có thêm sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu toàn cầu đã đè nặng lên thị trường.
Các ngoại trưởng EU đang chia rẽ về việc có nên tham gia với Mỹ trong việc cấm vận dầu thô từ Nga hay không, khi một số nước trong đó có Đức cho rằng khối này đang quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Brussels (Bỉ) vào ngày 24/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước NATO, cũng như EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản. Cho đến nay, Nga vẫn chưa thay đổi hành động đối với Ukraine bất chấp bốn đợt trừng phạt của EU được áp đặt, trong đó bao gồm 5 cá nhân người Nga và Belarus, cũng như lĩnh vực tài chính và thương mại của Nga, trong ba tuần qua.
Một diễn biến đáng lo ngại khác là các hành động quân sự của lực lượng Houthi hồi cuối tuần trước đã gây ra sự sụt giảm sản lượng tạm thời tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco ở Yanbu. Sang ngày 21/3, Saudi Arabia cho biết họ sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nào sau các hành động quân sự trên.
Edward Moya, nhà phân tích tại OANDA, cho biết: “Có vẻ như các nhà giao dịch năng lượng đang ngày càng tin tưởng rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung gần như sắp xảy ra”.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cho thấy sản lượng tháng Hai của nhóm này đã thấp hơn mức mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích cho rằng những thông tin về sản lượng của OPEC+ có thể làm trầm trọng thêm lo ngại về nguồn cung.
Hai nước OPEC có khả năng gia tăng sản lượng ngay là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, đến nay vẫn từ chối các lời kêu gọi gia tăng sản lượng nhanh hơn để giúp hạ nhiệt giá dầu từ các nước tiêu thụ dầu lớn.