Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 6 xu, hay 0,1%, lên 60,7 USD/thùng vào lúc 16 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn giảm 7 xu, hay 0,13%, lên 52,04 USD/thùng.
Giám đốc đầu tư của Probis Securities ở Sydney, Jonathan Barratt, cho rằng thị trường dầu mỏ có thể đang chờ Saudi Arabia cắt giảm mạnh nguồn cung và Trung Quốc thực hiện biện pháp kích thích mạnh tay.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương, ngày 16/1 đã thông báo bơm ròng lượng tiền mặt mạnh tay nhất trong ngày thông qua các hoạt động mua lại đảo ngược. Các thị trường xem thông báo này là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang chuyển hướng sang thực hiện chính sách nới lỏng nhằm chặn đứng đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngày 15/1, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy khả năng có thêm các biện pháp kích thích được công bố.
Trong khi đó, những dấu hiệu gia tăng về sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và trên toàn cầu có thể gây sức ép lên giá dầu. Đầu tuần này, Trung Quốc công bố số liệu thương mại tháng 12/2018 yếu kém, với xuất khẩu và nhập khẩu cùng giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Với Mỹ, Nhà Trắng ước tính kinh tế nước này đang chịu tổn thất lớn hơn dự tính do việc chính phủ đóng cửa một phần. Triển vọng kinh tế toàn cầu cũng xấu hơn sau khi Quốc hội Anh ngày 15/1 đã bác bỏ thỏa thuận về việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu.
Về cơ bản, các thị trường dầu mỏ đang nhận được sự hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC, trong đó có nước xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia, cùng với nước sản xuất lớn nằm ngoài tổ chức này là Nga. Ngân hàng Standard Chartered cho rằng nỗ lực của OPEC sẽ hạn chế sự gia tăng lượng dự trữ cho phù hợp với nhu cầu, từ đó có thể ổn định giá dầu ở mức bền vững là trên 70 USD/thùng.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng chạm mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm ngoái, đe dọa làm giảm hiệu quả của những nỗ lực cắt giảm sản lượng từ phía OPEC.