Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 77 xu Mỹ, hay 1,1% lên 69,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 80 xu Mỹ, hay 1,2% và đóng phiên ở mức 66,08 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 11/3 đối với giá dầu Brent và kể từ 5/3 đối với giá dầu WTI.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, lượng dầu thô xuất khẩu của nước này đã giảm xuống khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi lượng dầu dự trữ giảm 0,4 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với dự đoán giảm 2,8 triệu thùng.
Giới giao dịch cho rằng một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến giá dầu là tổng lượng sản phẩm dầu được cung cấp giảm 2,2 triệu thùng/ngày xuống còn 17,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức giảm theo tuần lớn nhất và cũng là mức nhu cầu trong một tuần thấp nhất kể từ tháng Một.
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu đang vượt cung và sự thiếu hụt này được dự đoán sẽ tăng lên kể cả khi Iran gia tăng xuất khẩu.
Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã giữ nguyên dự đoán nhu cầu dầu của thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ lấn át tác động của dịch COVID-19 ở Ấn Độ.
Các số liệu tích cực cũng đang hỗ trợ giá dầu. Kinh tế Anh đã tăng trưởng mạnh hơn dự đoán trong tháng Ba, trong khi giá tiêu dùng ở Mỹ đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất gần 12 năm qua trong tháng Tư, do nhu cầu bùng nổ khi nền kinh tế tái mở cửa đã gia tăng áp lực lên nguồn cung.
Đặc biệt, sự thiếu hụt nhiên liệu ở Mỹ còn trầm trọng hơn khi hệ thống ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước này đã phải ngừng hoạt động sáu ngày liên tiếp do một cuộc tấn công mạng.