Vào lúc 14 giờ 40 phút (giờ Việt Nam) ngày 19/1, giá dầu Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 87,90 USD/thùng, tăng 0,5% so với phiên trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,8%, lên 86,07 USD/thùng. Giá dầu WTI đã tăng lên mức 87,08 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch.
Giá dầu Brent và WTI đều chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Một số nguồn tin của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, giá dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới.
Nhà điều hành đường ống dẫn dầu nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ đã dập tắt ngọn lửa của đám cháy sau vụ nổ làm giảm dòng chảy dầu mỏ tại đường ống Kirkuk-Ceyhan. Đồng thời, nhà điều hành cho biết thêm rằng đường ống sẽ đi vào hoạt động “càng sớm càng tốt”. Đường ống dẫn dầu thô từ Iraq, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong OPEC, đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu.
Những lo ngại về về vấn đề địa chính trị liên quan đến Nga và UAE, càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung năng lượng.
Các quan ngại về nguồn cung đã gia tăng trong tuần này sau diễn biến tại Yemen và UAE, khi lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen thông báo đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng 5 tên lửa đạn đạo và một số máy bay không người lái chứa đầy chất nổ nhằm vào các sân bay và nhà máy lọc dầu ở UAE. Liên hợp quốc (LHQ), các nước Arập và phương Tây ngay lập tức lên án các vụ tấn công.
Tình hình căng thẳng liên quan đến nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ làm gia tăng triển vọng nguồn cung nhiên liệu bị gián đoạn vào thời điểm OPEC và các nước liên minh, còn gọi là OPEC+, đang chật vật để đáp ứng mức sản xuất hàng tháng của họ, với lượng dầu cung cấp ít hơn so với kế hoạch 400.000 thùng/ngày.