Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6 USD lên 76,25 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,44 USD lên 71,23 USD/thùng. Phiên này, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ nhân dịp Quốc khánh.
Đầu tuần này, Saudi Arabia cho biết sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng Tám, trong khi Nga và Algeria cũng tự nguyện giảm lần lượt 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày trong sản lượng và lượng dầu xuất khẩu tháng Tám.
Ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích của công ty PVM, cho biết nếu các cam kết nói trên được thực hiện đầy đủ, tổng sản lượng được cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ lên đến 5,36 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 8/2022, hoặc có thể còn cao hơn thế.
Tuy nhiên, ông Andrew Lipow, Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow, cho rằng thị trường sẽ chờ đợi để xác minh những cam kết cắt giảm sản lượng của Nga, và vẫn còn những lo ngại rằng lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu.
Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích của công ty OANDA dự đoán giá dầu sẽ chỉ có sự thay đổi đáng kể nếu có thể bứt phá lên trên ngưỡng 77 USD/thùng, nếu không, giá “vàng đen” sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp.
Giá dầu không tăng mạnh trước những cam kết cắt giảm nói trên chủ yếu là vì những lo ngại về nhu cầu do đà phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc sau dịch COVID-19. Trong khi đó, lãi suất tại Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự bất ổn này có thể sẽ phủ bóng lên những nỗ lực thắt chặt nguồn cung của OPEC+.