Tính theo tuần, giá dầu Brent tăng 6,4% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 5,5%, đều là mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 7/2017.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (19/3), giá dầu trượt dốc, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ đỏ sàn. Chuyên gia phân tích kỹ thuật Brian LaRose thuộc United-ICAP cho rằng chứng khoán suy yếu là nhân tố thúc đẩy sự sụt giảm của thị trường năng lượng trong phiên này. Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã hồi phục trong phiên giao dịch ngày 20/3, giữa bối cảnh những lo ngại về căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu tại Trung Đông – vốn đã bị thắt chặt bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC.
Đáng chú ý, giá dầu chạm mức cao nhất trong sáu tuần qua trong phiên giao dịch ngày 21/3, với sự hậu thuẫn của một loạt nhân tố: lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm mạnh, OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thị trường đang lo ngại về "số phận" của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5/2018 tăng 1,63 USD, hay 2,6% lên 65,17 USD/thùng, mức cao nhất kể từ phiên 2/2/2018, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 3% lên 69,47 USD/thùng.
Số liệu được công bố mới đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này bất ngờ giảm 2,6 triệu thùng, trong khi trước đó các nhà phân tích dự đoán lượng dầu thô dự trữ của Mỹ sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng. OPEC cũng cho biết mức tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài khối đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Hai.
Giá dầu thế giới quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 22/3 do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư, song những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC đã phần nào hạn chế đà giảm của giá “vàng đen”. Đến phiên cuối tuần (23/3), giá dầu lấy lại đà tăng, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabi khẳng định OPEC và các nhà sản xuất khác cần tiếp tục cắt giảm sản lượng cho đến năm 2019. Bên cạnh đó, mối lo ngại về hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran trong tương lai cũng hỗ trợ thị trường “vàng đen”.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,54 USD (2,2%) lên 70,45 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 1,58 USD (2,5%) lên 65,88 USD/thùng. Theo các chuyên gia, thị trường đang quan ngại rằng Mỹ có thể tái áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran. Công ty tư vấn năng lượng FGE cho rằng các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Iran có thể khiến lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này giảm từ 250.000-500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay so với mức xuất khẩu 2-2,2 triệu thùng/ngày hồi đầu năm 2016 khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Thêm vào đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng trưởng mạnh tại Mỹ cũng hỗ trợ giá mặt hàng này. Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên 75 USD/thùng trong quý III/2018, nhờ nhu cầu theo mùa phục hồi.