Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 31 xu Mỹ, lên 41,60 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 7%, lên 43,41 USD/thùng.
Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ công bố một gói cứu trợ mới trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp từ công ty Price Futures tại Chicago, cho biết nếu bơm nhiều tiền hơn vào túi của người tiêu dùng, họ sẽ chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ, và điều đó sẽ dẫn đến nhu cầu xăng tăng cao hơn, đi lại nhiều hơn và mua sắm nhiều hơn.
Đồng USD suy yếu cũng khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó giúp tăng sự hấp dẫn của dầu. Phiên này, chỉ số đồng USD đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018, do các mối quan ngại về tình hình kinh tế trong nước và quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia tăng sau khi Mỹ quyết định đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và Trung Quốc đáp trả bằng việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Điều này khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm đến các “thiên đường trú ẩn an toàn” như vàng và trái phiếu, và tránh xa các tài sản rủi ro.
Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 16 triệu người và dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại các khu vực của Mỹ.
Dù vậy, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn đang hướng tới tháng tăng thứ tư và thứ ba liên tiếp, nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ.