Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 13 giờ 37 phút giờ Việt Nam, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 9 xu (0,2%) lên 56,31 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 23 xu (0,4%) lên 66,22 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, giá dầu nhận được hỗ trợ nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất khác. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng chiến lược của OPEC là tái cân bằng thị trường càng nhanh càng tốt và chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng vào cuối tháng Sáu tới để tăng sản lượng cùng với các nhà sản xuất dầu đá phiến trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, theo giới giao dịch, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cũng có tác động tích cực đến giá “vàng đen”.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch lưu ý thị trường dầu mỏ vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung do sự gia tăng sản lượng tại Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 6/7 cho biết trong tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,1 triệu thùng lên 452,93 triệu thùng/ngày, cao hơn dự kiến trước đó. Trong khi sản lượng dầu thô của Mỹ duy trì ở mức kỷ lục 12,1 triệu thùng/ngày, tăng hơn 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2018.
Nhà kinh tế Alfonso Esparza, thuộc OANDA, nhận định dự trữ dầu cao hơn dự kiến của Mỹ và cảnh báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tác động từ đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu đối với triển vọng nhu cầu đã phá vỡ tình trạng cân bằng giữa sự gia tăng sản lượng dầu tại Mỹ và nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC.
OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2019, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của tổ chức này hồi tháng 11.