Khép phiên 10/7, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 78 xu Mỹ (tương đương 1%) xuống 77,69 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng trước đó cùng phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 87 xu Mỹ (1,2%) xuống 72,99 USD/thùng.
Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là các phát biểu của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch chi nhánh Fed tại San Francisco, bà Mary Daly hôm thứ Hai lặp lại niềm tin rằng có thể sẽ cần thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để kiểm soát lạm phát, vốn vẫn còn quá cao. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland Loretta Mester cũng phát đi tín hiệu ủng hộ tăng lãi suất tương tự.
Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Ông Dennis Kissler, quản lý cấp cao phụ trách hoạt động giao dịch của ngân hàng BOK Financial, cho biết giới giao dịch rất lo lắng về triển vọng lãi suất tiếp tục tăng, do điều này có thể "bóp nghẹt" nhu cầu rất nhanh.
Ông cũng chỉ ra rằng mức giảm trong phiên này còn do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư sau đợt tăng giá vào tuần trước.
Giá cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều tăng hơn 4,5% vào tuần trước sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mới. Những động thái này đã nâng tổng mức cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) lên khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày - tương đương khoảng 5% nhu cầu dầu toàn cầu.
Tuần này, giới đầu tư sẽ dành nhiều chú ý cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu của Mỹ và một loạt báo cáo kinh tế từ Trung Quốc được công bố vào cuối tuần này để xác định thêm triển vọng nhu cầu trên thị trường thế giới.