Bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được hồi cuối năm ngoái, giá dầu vẫn chịu sức ép từ mối lo dư cung dai dẳng, giữa bối cảnh một số nước nằm ngoài thỏa thuận này tiếp tục gia tăng sản lượng.
Một giàn khoan dầu ở ngoài khơi Italy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4 đã phần nào giảm bớt những lo ngại của thị trường về một cú sốc tương tự như việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), qua đó giúp giá dầu đi lên ngay khi mở cửa phiên đầu tuần (24/4).
Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài được tới cuối phiên do tâm lý lo ngại về tình trạng dư dôi nguồn cung toàn cầu tiếp tục "đeo bám" nhà đầu tư, giữa bối cảnh sản lượng khai thác dầu ở Mỹ liên tục tăng.
Thị trường liên tục trồi sụt bất nhất trong các phiên sau đó. Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc hôm 21/4, cao hơn gấp hai lần so với con số dự đoán, song giới phân tích cảnh báo rằng nhu cầu xăng dầu của Mỹ yếu có thể ảnh hưởng đến giá dầu thô trong những tuần tới.
Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan nhận định, thị trường dầu thô toàn cầu vẫn đang “vật lộn” với tình trạng dư cung. Ngân hàng này dự đoán rằng OPEC có thể gia hạn thỏa thuận đạt được cuối năm ngoái nếu tổ chức này muốn duy trì giá dầu ở mức trên 50 USD/thùng.
Tâm lý của giới đầu tư năng lượng càng bị đè nặng khi hai mỏ dầu lớn của Libya là Sharara và El Feel, với sản lượng gần 400.000 thùng/ngày, đã mở cửa trở lại sau khi hoạt động sản xuất bị ngưng trệ do các vụ biểu tình tại quốc gia Bắc Phi này. Thông tin trên khiến tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu càng rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ ở nước này đã tăng 897.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 21/4, trái ngược so với dự báo giảm 1,7 triệu thùng, cũng khiến thị trường thêm ảm đạm.
Tới phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu đảo chiều nhờ kỳ vọng vào khả năng OPEC sẽ nhất trí kéo dài thời hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới hết năm 2017 nhằm “xoa dịu” tình trạng dư cung toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 36 xu (0,7%), lên 49,33 USD/thùng, để mất mức cao nhất xác lập trong ngày là 49,76 USD/thùng. Đây là phiên đi xuống thứ tám của giá dầu ngọt nhẹ Mỹ trong vòng 11 phiên qua. Lần đầu tiên trong bốn tuần qua, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng bày tỏ sự bi quan về triển vọng giá dầu ngọt nhẹ.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 29 xu Mỹ (0,6%), lên 51,73 USD/thùng. Tuy nhiên, cả hai loại dầu chủ chốt này đều chứng kiến tuần giảm thứ hai liên tiếp, đồng thời cũng ghi nhận đà mất giá cho cả tháng Tư. Tính chung trong tháng 4/2017, giá dầu WTI hạ khoảng 2,5% và giá dầu Brent lùi 3,4%.
Cùng ngày, báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ trong tuần này tiếp tục tăng tuần thứ 15 liên tiếp, củng cố thêm kịch bản Mỹ đẩy mạnh sản lượng trong thời gian tới.