Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Một, hiện là kỳ hạn giao gần nhất, giảm 2,47 USD, hay gần 3,2%, xuống 75,94 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 2,35 USD, hay 2,9%, xuống 78,89 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30/9.
Giá dầu giảm trong phản ứng với lệnh phong tỏa mới ở Áo, và số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu. Tình hình này có thể làm giảm nhu cầu dầu nếu nhiều nước hơn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Áo ngày 19/11 thông báo nước này bước bào thời kỳ phong tỏa toàn quốc kéo dài 10 ngày vào tuần tới. Đầu tuần này, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, song số ca mắc COVID-19 mới vẫn liên tục tăng thậm chí vượt mức đỉnh cách đây một năm, khi nước này thực thi biện pháp phong tỏa.
Giới đầu tư cũng "hoang mang" sau khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết ông không thể loại bỏ khả năng phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một buổi họp báo ngày 19/11. Chính phủ nước này cũng đã ban hành các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tính chung cả tuần này, giá dầu WTI giảm 5,8%, trong khi giá dầu Brent giảm 4%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cả hai loại dầu này giảm xuống, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.
Phiên đầu tuần, giá dầu thế giới biến động nhẹ khi giới đầu tư băn khoăn liệu nguồn cung dầu thô có tăng hay không. Bên cạnh đó, câu hỏi về việc liệu nhu cầu có chịu nhiều áp lực bởi chi phí năng lượng lên cao, đồng USD mạnh và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 cũng tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này.
Sang phiên 16/11, giá dầu thế giới giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá dầu Brent tăng còn giá dầu WTI giảm, do triển vọng về lượng dầu tại các kho dự trữ trên thế giới thắt chặt lại bị “lấn át” bởi dự báo sản lượng dầu sẽ tăng trong những tháng tới và lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại châu Âu.
Sau đó, giá dầu chạm mức thấp nhấp trong sáu tuần trong phiên 17/11, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo khả năng sớm xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu phủ bóng liên triển vọng phục hồi của nhu cầu.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới tăng nhẹ vào ngày 18/11, giữa bối cảnh thị trường băn khoăn về việc các nền kinh tế lớn sẽ "giải phóng" bao nhiêu dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược và điều đó sẽ giảm bớt áp lực nhu cầu dầu thô toàn cầu ra sao.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy) cho biết thị trường hiện dường như ít lo ngại hơn về vấn đề khan hiếm nguồn cung, vì đa phần đều nhận định tình trạng này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Thay vào đó, các nhà giao dịch đang tập trung vào sự trở lại của hai yếu tố có thể gây sức ép giảm giá - khả năng nguồn cung dầu mở rộng và số ca mắc COVID-19 tăng cao hơn.
Củng cố cho nhận định này, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei mới đây đã đánh giá có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu sẽ thặng dư trong quý I/2022. Còn Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.
Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Lo lắng về nhu cầu sụt giảm cũng gây áp lực khi châu Âu một lần nữa trở thành “tâm” dịch COVID-19, khiến một số nước xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi đó Trung Quốc đang chống chọi với sự lây lan của đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất do biến thể Delta gây ra.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xem xét “khai thác” các kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ để hạ nhiệt giá dầu đang tăng. Tuy nhiên, quyền người đứng đầu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết việc giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ (SPR) có thể sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ.
IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS (Nga), tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.