Các nhà đầu tư lựa chọn sự đảm bảo từ đồng USD
Giá vàng thế giới gần như "đi ngang" trong phiên giao dịch ngày 9/8 sau hai phiên tăng giá liên tiếp. Chỉ số đồng USD phiên này mạnh hơn đã gây sức ép đối với sự đi lên của của giá vàng mặc dù kim loại quý này phần nào nhận được hỗ trợ từ việc đồng nhân dân tệ (NDT) ổn định hơn.
Tại Chicago (Mỹ) vào lúc 0 giờ 35 phút sáng ngày 10/8 giờ Việt Nam, vàng giao ngay giữ giá ở mức 1.213,05 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao tháng 12/2018 giảm 0,1% xuống 1.219,9 USD/ounce.
Giá vàng đã có mối liên hệ khá mật thiết với đồng NDT trong những tuần gần đây, với việc đồng nội tệ của Trung Quốc phản ánh những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đồng NDT phiên này đã ổn định hơn so với đồng USD, trong lúc đồng bạc xanh nhích lên so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác khi căng thẳng địa chính trị dịu bớt. Đồng USD mạnh lên khiến vàng được định giá bằng đồng tiền này đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Kể từ đầu năm đến nay, vàng không được hưởng lợi từ các căng thẳng địa chính trị gia tăng, do các nhà đầu tư lựa chọn sự đảm bảo từ đồng USD thay vì kim loại quý này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm hai lần tăng lãi suất và lãi suất ở Mỹ cao hơn cũng có xu hướng củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ, việc tạo sức ép lên vàng - tài sản không sinh lời.
Giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 15,45 USD/ounce, trong khi giá bạch kim không đổi ở mức 826,5 USD/ounce. Giá cả hai kim loại quý này trước đó đều tăng lên các mức cao trong sáu ngày lần lượt là 15,51 USD/ounce và 839,9 USD/ounce.
Giá palladium tiến 0,7% lên 906 USD/ounce, sau khi giảm chạm mức thấp trong hơn hai tuần trong phiên trước.
Căng thẳng thương mại tăng hoài nghi về nhu cầu dầu mỏ
Trong phiên giao dịch ngày 9/8, giá dầu thế giới giảm nhẹ và nối dài sự sụt giảm từ phiên trước đó, giữa bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang làm tăng thêm sự hoài nghi về triển vọng của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 0,13 USD xuống 66,81 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Bren Biển Bắc hạ 0,21 USD xuống 72,07 USD/thùng.
Phiên trước đó, cả hai loại dầu chủ chốt trên đều mất giá hơn 3% sau khi số liệu từ chính quyền Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm ít hơn dự kiến trong tuần trước (kết thúc ngày 3/8), còn nguồn cung xăng cũng bất ngờ tăng thêm 2,9 triệu thùng.
Thị trường năng lượng còn chịu sức ép đi xuống do lo ngại về những tranh chấp thương mại trên toàn cầu, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 7/8 cho biết bắt đầu từ ngày 23/8 tới, Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc. USTR cũng công bố danh sách 279 sản phẩm bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Động thái trên là diễn biến mới nhất từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc gây sức ép với Bắc Kinh trên bàn đàm phán thương mại, sau khi hồi tháng trước Nhà Trắng đã thông báo áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/8 thông báo nước này quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ. Mức thuế này sẽ áp dụng cho các mặt hàng từ nhiên liệu, các sản phẩm thép, cho tới ô tô, thiết bị y tế. Tuy nhiên, mặt hàng dầu thô lại chưa được liệt kê trong danh sách này.
Tin tức cho hay ngày 9/8, Iraq đã chính thức cắt giảm giá bán dầu nhẹ Basra kỳ hạn tháng 9/2018 cho các khách hàng châu Á.