Cụ thể, khép lại phiên này tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,15 USD, hay 2,9%, lên 72,89 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,62 USD, hay 2,5%, và được giao dịch ở mức 63,69 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 9/4.
Tháng 10 vừa qua, cả hai loại dầu trên đều ghi nhận các mức giảm theo tháng (tính theo tỷ lệ phần trăm) cao nhất kể từ tháng 7/2016, trong đó giá dầu Brent giảm 8,8% còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm gần 11%.
Bộ Năng lượng Mỹ mới đây cho biết tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng Tám và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng. Trong khi đó, Nga đang sản xuất 11,41 triệu thùng/ngày, và một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu hàng ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng dần kể từ năm 2016.
Sản lượng dầu cao đang lấn át những lo ngại rằng thị trường sẽ không thể bù đắp cho việc lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm, khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tuần tới.
Bên cạnh đó, dầu cũng đang chịu áp lực trước những lo ngại gia tăng về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết và bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã giảm 17% so với các mức cao ghi nhận đầu tháng Mười. Giới phân tích dự đoán hoạt động bán ra sẽ gia tăng trong những ngày tới, đồng thời cho biết dầu đang không tận dụng sự yếu đi của đồng USD hay sự phục hồi của các thị trường chứng khoán.