Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,71 USD (2,8%) xuống 92,65 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 3,08 USD (3,5%) xuống 85,83 USD/thùng. Trong phiên 8/11, giá hai mặt hàng này đã giảm khoảng 3%.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ trong tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng lên 440,8 triệu thùng khi sản lượng dầu tăng lên khoảng 12,1 triệu thùng/ngày. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng Reuters, các nhà phân dự đoán lượng dầu dự trữ tăng 1,4 triệu thùng.
EIA cho biết dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 900.000 thùng xuống còn 205,7 triệu thùng, thấp hơn dự báo trước đó của các nhà phân tích về mức giảm 1,1 triệu thùng. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, giảm khoảng 500.000 thùng, cũng thấp hơn dự kiến.
Bên cạnh số liệu từ Mỹ, thị trường dầu mỏ còn chịu tác động do mối lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Ông Jim Ritterbusch từ công ty tư vấn dầu khí Ritterbusch & Associates nhận định những lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong tương lai có thể thúc đẩy điều chỉnh dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu.
Tuần trước, thị trường đã nuôi hy vọng về khả năng Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát chặt dịch COVID-19, song cuối tuần trước, các quan chức y tế Trung Quốc đã tái khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách “Không COVID”. Ngày 9/11, số ca mắc COVID-19 tại Quảng Châu và các thành phố khác của Trung Quốc tiếp tục tăng, với hàng triệu người được yêu cầu xét nghiệm COVID-19.
Ngoài ra, đà tăng của đồng USD cũng khiến giá dầu đắt hơn đối với người mua nắm giữ đồng tiền khác. Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung vẫn còn.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu của Nga vào ngày 5/2, do liên quan đến Ukraine.